Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng, khơi dậy sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp
10:35 - 14/01/2022
![Kinh tế Việt Nam năm 2022 được WB dự báo tăng trưởng 5,5%. (Nguồn: AF)](https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2022_01_14_194_41498648/09b47bbccbfe22a07bef.jpg)
Kinh tế Việt Nam năm 2022 được WB dự báo tăng trưởng 5,5%. (Nguồn: AF)
Phiên Khai mạc Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp" chính thức bắt đầu vào lúc 8h30, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của 34 tỉnh, thành phố cùng đông đảo doanh nghiệp trên cả nước.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao chủ trì và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức. Chương trình được phát trực tuyến trên Zoom Webinar tại đường link: https://us02web.zoom.us/webinar/register/WN_2ZRCOeXuReiZ6DUz4H8ssg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc sự kiện. Cùng tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Du lịch, các viện nghiên cứu.
Trong Báo cáo mới nhất công bố ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới WB đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ khởi sắc với sự hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Với giả định đại dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt trong nước và trên toàn cầu, GDP Việt Nam năm nay được WB dự báo tăng trưởng 5,5%, thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là 6,5-7%, cũng như con số dự kiến của các tổ chức khác như HSBC (6,5%), Standard Chartered (6,7%).
Theo WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.
Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là trước diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. WB cho rằng, các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cũng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội phải xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.
Với rất nhiều thách thức đặt ra, chủ đề của Diễn đàn - Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, đề cập và tập trung phân tích, đánh giá thực trạng nền kinh tế cũng như năng lực vực dậy của các ngành/lĩnh vực, các khu vực kinh tế, địa phương và doanh nghiệp sau quá trình tác động nghiêm trọng và kéo dài của đại dịch covid-19;
Nhận định bối cảnh kinh tế thế giới mới, những thay đổi của chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu tác động đến phương thức vận hành, chiến lược hoạt động và quản trị doanh nghiệp; Đánh giá tính tác động, phù hợp và hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế đã và đang triển khai, các đạo luật mới sửa đổi; Nhận diện các động lực tăng trưởng mới có khả năng lan tỏa thúc đẩy đà phục hồi tăng trưởng; Hiến kế các giải pháp có tính khả thi cao nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng đã được Đảng, Chính phủ đặt ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tại Phiên Khai mạc và dẫn đề, sẽ có các tham luận về Mục tiêu tăng trưởng đánh giá khả năng phục hồi và bứt phá của các ngành kinh tế: cơ hội & rủi do của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Giải pháp cấp bách và kế hoạch hành động của ngành Du lịch gắn với Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Sức bật của địa phương năm 2022 từ nội lực và các động lực tăng trưởng mới của lãnh đạo thành phố Hải Phòng...
Phiên thảo luận với chủ đề Sức bật của các ngành kinh tế và khu vực doanh nghiệp gắn với chính sách phục hồi tăng trưởng sẽ do TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV điều hành.
Với nội dung liên quan trực tiếp đến hành động của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, Phiên thảo luận sẽ có sự tham gia của TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính; Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10; Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines.
(https://baoquocte.vn/dien-dan-kich-ban-kinh-te-viet-nam-2022-phuc-hoi-va-but-toc-tang-truong-khoi-day-suc-bat-cua-cac-nganh-dia-phuong-va-doanh-nghiep-170879.html)
Minh Anh - Báo Quốc tế
https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/phuc-hoi-va-but-toc-tang-truong-khoi-day-suc-bat-cua-cac-nganh-dia-phuong-va-doanh-nghiep-d174779.html