Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình sạt lở đất xảy ra liên tiếp trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng.
Sau những vụ việc sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, hay vụ sạt lở đất tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, các nhà khoa học khuyến nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ “Giám sát, cập nhật, xử lý thông tin, dữ liệu tai biến địa chất và đánh giá các tình huống khẩn cấp” thuộc Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" do Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện, ông Trương Quang Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng địa chất, Cục Địa chất Việt Nam đánh giá khi thi công các tuyến đường giao thông cắt qua đồi núi đều làm mất chân sườn dốc tự nhiên, từ đó làm gia tăng khả năng xảy ra sạt lở đất đá.
Để an toàn khi thi công, việc trước mắt là phải gia cố chân sườn dốc. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy, đơn vị thi công hầu như chỉ tập trung làm đường còn việc gia cố hay khắc phục sạt lở đất ở ven đường chưa được tính toán kỹ. Nguyên nhân khác là độ rung mặt đất khi xe ôtô di chuyển trên đường, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định của các lớp đất đá ven đường.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, chuyên viên cao cấp về địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), về nguyên lý, có ba yếu tố tự nhiên chính góp phần làm mất ổn định sườn dốc, gây trượt lở, lũ bùn đá là: hình thái sườn dốc, tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc và nước. Theo đó, một sườn dốc bị bão hòa nước sẽ trở nên kém ổn định gấp nhiều lần, gây nguy cơ trượt lở; vì thế các nhà khoa học còn gọi nước là “kẻ thù của sườn dốc.”
Bên cạnh đó, các hoạt động nhân sinh như làm đường giao thông, hồ chứa, cắt chân sườn dốc lấy mặt bằng xây nhà cửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển từ rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, sang các diện tích trồng cây công nghiệp...) đều làm thay đổi hình thái sườn dốc tự nhiên, tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc, tính thấm, khả năng thấm của nước vào trong sườn dốc...
“Thông thường, ngành Giao thông Vận tải sẽ khảo sát, thiết kế và thi công các sườn dốc nhân tạo sao cho ổn định, thậm chí trong nhiều trường hợp, phải ổn định sườn dốc “nhân tạo” đó bằng phương pháp neo đất, neo đá, tường chắn, rọ đá... Tuy nhiên, những phương pháp này chưa đủ hiệu quả, vì thế trượt lở thường xuất hiện dọc các tuyến đường giao thông,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Tân Văn cho biết.
Đề xuất giải pháp căn cơ, ông Trương Quang Quý cho rằng Việt Nam cần chủ động ứng phó thiên tai bằng cách xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực có rủi ro cao. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia-một bản đồ chung và thống nhất cho cả nước, cụ thể chi tiết đến từng thôn, xã để các địa phương có căn cứ xây dựng phương án di dời, sắp xếp dân cư, triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Bản đồ chi tiết này cũng là cơ sở để xây dựng các bản đồ quy hoạch khác liên quan như quy hoạch khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) theo hướng lâu dài, ổn định. Cùng với đó, các địa phương cần chuyển từ tư duy “phòng, chống thiên tai” sang tư duy “phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai,” có ý thức về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trong từng hoạt động, từng dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Với các địa phương có nguy cơ sạt lở, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Tân Văn cho rằng trước hết, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét ở tỷ lệ trung bình 1/50.000, tích hợp kết quả vào trong các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương này; đồng thời, chủ động tìm trước một số vị trí có thể di dời, sơ tán khi có thiên tai xảy ra.
Việc điều tra hiện trạng, điều chỉnh kết quả phân vùng cảnh báo này sẽ phải cập nhật sau mỗi chu kỳ 3-5 năm. Đối với một số vị trí rất quan trọng như các công trình, dự án trọng điểm, khu dân cư lớn... có thể xem xét lắp đặt một hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm.
Ngoài ra, cần nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng-thủy văn từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; chú trọng vào công tác chuyển giao kết quả, hướng dẫn sử dụng kết quả xuống từng địa phương, tích hợp kết quả đó trong việc xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các khu vực tập trung dân cư, các công trình trọng điểm, tìm kiếm các khu vực tương đối an toàn để di dời, sơ tán.../.
Nguồn: Phòng ngừa sạt lở đất bằng hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia | Vietnam+ (VietnamPlus)