Pho Wall khep lai tuan giao dich am dam, mat 9% trong thang Chin hinh anh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chứng kiến xu hướng mất điểm trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và chốt phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng Chín trong “sắc đỏ,” thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch ảm đạm và giảm gần 9% trong tháng Chín vừa qua.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục mang đến biến động cho thị trường tài chính toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến Phố Wall.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 26/9), cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều mất xấp xỉ 1%. Với mức mất điểm trong phiên này, chỉ số Dow Jones cũng chính thức rơi vào trạng thái "thị trường thế giảm" (bearish market – chỉ việc một chỉ số giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất của nó).

Ông Andy Kapyrin, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn tài chính RegentAtlantic (Mỹ) tỏ ra không chắc rằng thị trường đã ở mức đáy. Nhưng việc các nhà đầu tư thận trọng hơn là điều hoàn toàn hợp lý, khi thị trường chứng khoán đã xuống thấp hơn so với đầu năm.

[Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp dưới áp lực lãi suất tăng]

Thị trường tiếp tục diễn biến kém lạc quan trong phiên giao dịch liền sau đó, trước khi phục hồi trong phiên 28/9, giữa bối cảnh Ngân hàng trung ương Anh (BoE) can thiệp vào thị trường trái phiếu Anh để trấn an nhà đầu tư. BoE thông báo sẽ mua vào trái phiếu chính phủ dài hạn từ nay đến ngày 14/10 với số lượng đủ để ổn định thị trường tài chính, sau khi giá trái phiếu Chính phủ Anh sụt mạnh kể từ khi nước này thông báo gói ngân sách mới vào tuần trước.

Động thái trên đã gây sức ép lên lợi suất trái phiếu, vốn đã tăng mạnh khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Chuyên gia Angelo Kourkafas tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, có trụ sở tại Mỹ, nhận định sự can thiệp của BoE đã giúp làm dịu thị trường và đảo ngược đà tăng lợi suất trái phiếu.

Tuy nhiên, đà bán tháo cổ phiếu tiếp tục trở lại khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ngân hàng này sẽ điều tiết hoặc thay đổi kế hoạch tăng lãi suất mạnh để “hạ nhiệt” lạm phát. Điều này có thể gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, vốn đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm về sự thay đổi trên thị trường tiền tệ và nợ toàn cầu.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/9, thị trường cổ phiếu tiếp tục lao dốc, khiến chỉ số Dow Jones mất 500 điểm và S&P 500 chạm mức thấp mới kể từ đầu năm nay.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 500,10 điểm (1,71%), xuống 28.725,51 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới mốc 29.000 điểm kể từ tháng 11/2020.

Trong khi đó, S&P 500 hạ 1,51% xuống 3.585,62 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 1,51% và đóng cửa ở mức 10.575,62 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức giảm sâu trong tuần qua, với chỉ số Dow Jones giảm 2,9%, còn S&P và Nasdaq lần lượt hạ 2,9% và 2,7%.

Phiên 30/9 cũng là phiên giao dịch khép lại tháng Chín và quý 3/2022. Tính chung trong tháng Chín vừa qua, Dow Jones mất 8,8%, S&P 500 giảm 9,3%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, còn Nasdaq giảm 10,5%.

Quý 3/2022 đánh dấu chuỗi ba quý đi xuống liên tiếp đầu tiên của chỉ số S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2009, với các mức giảm lần lượt là 5,3% và 4,1%. Trong khi chỉ số Dow Jones mất 6,7% trong quý vừa qua, ghi dấu ba quý giảm điểm liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Một báo cáo về lạm phát được Fed công bố trong ngày 30/9 cho thấy giá cả tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Cùng ngày, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard nhấn mạnh nhu cầu cần thiết phải “hạ nhiệt” lạm phát khi cho rằng ngân hàng này sẽ không sớm rút lại các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của hãng thời trang thể thao Nike giảm mạnh 12,8% sau khi công bố doanh thu tăng nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng và hàng tồn kho đã ảnh hưởng tới lợi nhuận trong quý I năm tài khóa vừa qua (bắt đầu từ ngày 1/6/2022)./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)