Chiều 17/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhân chuyến thăm và công tác tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp và thành viên EU; đồng thời bày tỏ, sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống, tin cậy, đối tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt với AFD.
Phó Thủ tướng mong muốn AFD hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật để hoàn thiện môi trường pháp lý trong chuyển đổi sang kinh tế xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh; xây dựng mục chi ngân sách ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển thị trường tín chỉ carbon; đa dạng hóa nguồn điện, năng lượng cân bằng và bền vững; qua đó, thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu như trồng rừng, giảm phát thải khí nhà kính...
Với việc tham gia vào thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) với nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước phát triển khác, Việt Nam thể hiện cam kết, trách nhiệm cao với những vấn đề toàn cầu, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), Phó Thủ tướng cho rằng để khai thác hiệu quả, bền vững, cần điều tra, đánh giá và có công nghệ khai thác phù hợp, cùng với cơ chế huy động tài chính, đầu tư tư nhân thông thoáng…; đồng thời giảm tỷ lệ nguồn điện truyền thống (điện than, thủy điện), nhưng vẫn bảo đảm cân bằng lưới điện.
[Doanh nghiệp châu Âu đầu tư phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam]
Bên cạnh hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp cận công nghệ hiện đại để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng nêu rõ tính cần thiết trong xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu; từ đó huy động nguồn đầu tư thỏa đáng cho các nghiên cứu thiết thực, cốt lõi về hệ thống truyền tải điện thông minh; giải pháp vận chuyển, xuất khẩu năng lượng tái tạo; sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh).
“Trong đó, công nghệ chính là vaccine đối với ứng phó biến đổi khí hậu,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, những mô hình, dự án hỗ trợ của AFD sẽ mang tính liên vùng, liên ngành; phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, thương mại hóa công nghệ năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu xanh, phát triển hệ thống lưới điện thông minh…, từ đó, kết nối với mục tiêu chung của Việt Nam, khu vực và toàn cầu về JETP và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh hai yếu tố tiên quyết quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng là công nghệ và cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, nguồn vốn, đánh giá tác động kinh tế-xã hội, đời sống của người dân trong quá trình chuyển dịch, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ nguồn năng lượng truyền thống.
Với sự hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế tài chính, Việt Nam có thể trở thành một mô hình tiêu biểu của một nước đang phát triển thực hiện thành công JETP.
Bày tỏ niềm tự hào trước những thành quả AFD và Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua, Tổng Giám đốc Rémy Rioux cho biết, AFD đã tài trợ cho 84 dự án với tổng mức cam kết hơn 2 tỷ euro.
Riêng giai đoạn 2006-2022, AFD đã giải ngân khoảng 1,1 tỷ Euro cho 30 dự án và chương trình phát triển, góp phần hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Cam kết hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, ông Rémy Rioux mong muốn Việt Nam có thể đặt ra các yêu cầu để AFD tận dụng các nguồn lực sẵn có nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân thiết thực, từ đó thực hiện mục tiêu hướng tới một thế giới an toàn, công bằng và bền vững hơn.
Đặc biệt, AFD cố gắng hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về việc cung cấp vốn cho các dự án công trong khuôn khổ JETP, Tổng Giám đốc AFD cho biết Cơ quan này cam kết bổ sung thêm các tác động về xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như hỗ trợ phân tích làm rõ những phương án lựa chọn của Chính phủ Việt Nam khi tham gia thỏa thuận này.
Bên cạnh đó, AFD mong muốn hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước, để tăng cường hỗ trợ cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong hệ thống tài chính. Đây là lĩnh vực được kỳ vọng mở ra hợp tác tích cực giữa hai bên.
Vừa qua, AFD đã đề xuất với Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng chương trình toàn diện về hỗ trợ sự chuyển dịch hệ thống tài chính, tương tự đã triển khai tại Indonesia, Ấn Độ… để thu hút nguồn đầu tư tư nhân, phục vụ đầu tư năng lượng tái tạo./.