Sáng 8/10, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đã làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Di chuyển 3.000 hộ ở trên 40 chung cư xuống cấp
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2024 đạt 9,77% (kế hoạch tăng 11,5-12%), đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (6,82%).
Tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, đây là mức tăng 9 tháng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 2 con số.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt trên 87.800 tỷ đồng, tăng trên 34% so với cùng kỳ; bằng khoảng 90% dự toán Trung ương giao.
Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với mức độ thiệt hại lớn. Có 2 người tử vong, 75 người bị thương (đã ổn định về sức khỏe). Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng.
Thành phố dự kiến dành trên 1.200 tỷ đồng để khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Một nhiệm vụ quan trọng của thành phố là phải di chuyển khoảng 3.000 hộ ở trên 40 chung cư xuống cấp và nguy hiểm. Đặc biệt sau bão số 3, các chung cư này có tình trạng xuống cấp trầm trọng. Thành phố đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ này di dời.Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/9, thành phố đã giải ngân gần 8.900 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 27 toàn quốc; đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, đây là mức thấp so với các năm trước, cần phải phấn đấu nhiều trong các tháng còn lại của năm 2024.
Về tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2024, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng, phấn đấu khởi công các dự án lớn, trọng điểm để mở rộng không gian đô thị về khu vực Bắc sông Cấm và thành lập khu kinh tế thứ hai phía Nam thành phố.
Hiện nay, thành phố đã khởi công 9 dự án nhà ở xã hội. Đến năm 2025, dự kiến có 20.800 căn nhà ở xã hội để cung ứng cho nhân dân.
"Như vậy, thành phố dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 Chính phủ giao. Đây là nội dung Hải Phòng thực hiện rất tốt, có thể đứng đầu toàn quốc," ông Nguyễn Văn Tùng cho hay.
Đến nay, Hải Phòng có 7 huyện đã được Thủ tướng công nhận là huyện nông thôn mới; 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 100% Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thành phố cũng cơ bản giải quyết xong việc xóa nhà tạm và quyết tâm xóa nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trên địa bàn thành phố trong năm 2024, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.
Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành đã cho ý kiến về các kiến nghị, đề xuất của thành phố như Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Dự án xây dựng các bến số 9, 10, 11, 12 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; dự án đầu tư xây dựng 5 khu công nghiệp: Tràng Duệ 3, Nam Tràng Cát, Giang Biên 2, Vinh Quang, Nhật Bản-Hải Phòng (Nomura); dự án đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9km đi qua tỉnh Thái Bình
Tạo cú hích trong tương lai
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết siêu bão số 3 đã gây hậu quả rất lớn. Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay đã vượt 81.000ìn tỷ đồng, trong đó riêng Hải Phòng thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng ghi nhận thành phố đã kịp thời ứng phó, di dời dân ở nơi có nguy cơ cao, nhất là hai khu chung cư nguy hiểm. Sau bão, thành phố đã huy động các lực lượng để khắc phục hậu quả.
Chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống điện, nước, viễn thông đã cơ bản được khôi phục, các tuyến giao thông chính đã thông suốt, giúp thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Phó Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ, các chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh, dành nguồn lực đáng kể để cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh sau bão.
Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương nghĩa cử cao đẹp của thành phố khi không nhận phần hỗ trợ của Chính phủ đối với các địa phương có thiệt hại do bão số 3, nhường phần hỗ trợ này cho địa phương khác.
Liên quan đến hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng các hệ thống hạ tầng đã và sẽ triển khai như đường ven biển, cầu cảng, khu kinh tế, sân bay… thể hiện tầm nhìn của thành phố.
Các dự án này khi đi vào cuộc sống sẽ tạo cú hích trong tương lai và nhiệm kỳ tới sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc mạnh của Hải Phòng. Một số dự án đã triển khai như đường ven biển, nếu nâng lên thành cao tốc kết nối từ Thanh Hóa ra Hải Phòng với hàng loạt khu kinh tế, sẽ phát huy hiệu quả, tác dụng rất tốt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao chủ trương của thành phố trong di dời 40 chung cư là nhà lắp ghép đã xuống cấp, cải thiện điều kiện ở và bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời, cải thiện môi trường sống của người dân khi diện tích đất tại các chung cư này chuyển thành vườn hoa, góp phần thay đổi diện mạo thành phố; nhấn mạnh, chủ trương đã có, tiềm lực có, nếu có thể, thành phố nên thúc đẩy sớm hơn.
Phó Thủ tướng lưu ý tuy Hải Phòng đạt mức tăng trưởng cao 9,7%, nhưng so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra vẫn chưa đạt. Với tiềm lực của thành phố, dư địa tăng trưởng vẫn còn, Hải Phòng phải có giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
"Chính phủ trông cậy vào những địa phương động lực, đầu tàu của nền kinh tế, trong đó có Hải Phòng, con số không chỉ là 11%, mà cố gắng tăng vượt trội để bù đắp cho những nơi khó khăn hơn," Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, dù giải ngân của thành phố hiện ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước, song dư địa để tăng giải ngân đầu tư công của Hải Phòng còn rất nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố quan tâm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn, tin tưởng điều này "nằm trong tầm tay của thành phố."
Theo Phó Thủ tướng, môi trường đầu tư của Hải Phòng đang ngày càng hấp dẫn, thành phố có nhiều kinh nghiệm trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Với quỹ đất có hạn, giờ đây thành phố cần lựa chọn trong thu hút đầu tư, tập trung thu hút các dự án có hàm lượng trí tuệ, chú trọng những lĩnh vực mới nổi.
"Cái gì có lợi cho sự phát triển tăng trưởng của thành phố, Chính phủ ủng hộ, vấn đề còn lại là thủ tục giải quyết cho nhanh, thể chế hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Hải Phòng phát triển nhanh nhất, thuận lợi nhất," Phó Thủ tướng nói khi đề cập đến các đề xuất, kiến nghị để của thành phố vươn lên trong thời gian tới.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra dự án xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Cảng Nam Đồ Sơn.
Dự án đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9km đi qua tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư 14.876 tỷ đồng, trong đó Dự án BOT ven biển có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, nhà đầu tư BOT đã thi công được một phần, tuy nhiên do khó khăn về huy động vốn do chênh lệch lãi vay nên thành phố đang thực hiện các thủ tục dừng thực hiện Dự án.
Thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách Trung ương cho tỉnh Thái Bình để đầu tư đoạn 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Thăm các hộ dân đang sinh sống trong Khu chung cư cũ tại phường An Dương, quận Lê Chân, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình mong muốn người dân đồng thuận ủng hộ chủ trương di dời của thành phố để bảo đảm an toàn cho chính gia đình mình./.