Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đổi mới cách thức hoạt động; nghiên cứu, chuyển dần từ "hỗ trợ tình thế" sang "hỗ trợ căn cơ, lâu dài"; đồng thời xây dựng những mô hình, việc làm, lựa chọn đối tượng hỗ trợ bền vững, trở thành hình mẫu tiêu biểu về hỗ trợ trẻ em để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... trong nước và quốc tế cùng thực hiện.
Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại cuộc họp Hội đồng bảo trợ Quỹ, chiều 16/10, tại Phủ Chủ tịch.
Ưu tiên công tác chăm lo trẻ em
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch nước cho biết, đất nước vừa trải qua cơn bão số 3 với những thiệt hại khá lớn cho nhiều địa phương khu vực phía Bắc, trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân, đặc biệt là trẻ em.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vừa lo phát triển kinh tế, phục hồi khó khăn do bão lũ gây ra, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt ưu tiên công tác chăm lo trẻ em, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Đóng góp vào thành tựu chung trong công tác chăm lo cho trẻ em không chỉ có hoạt động tích cực của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mà còn là những nỗ lực vượt khó, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Cảm ơn các thành viên Hội đồng Bảo trợ, nhà hảo tâm đã dành thời gian, công sức, tiền của và tinh thần hỗ trợ Quỹ để có được kết quả tích cực trong 9 tháng năm 2024, Phó Chủ tịch nước cũng hoan nghênh Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoạt động của Quỹ đạt yêu cầu đã đề ra.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cần có tham mưu cụ thể cho lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bộ máy tổ chức, cơ chế tài chính phù hợp, căn cơ, rõ ràng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nắm rõ về tình hình của trẻ em Việt Nam hiện nay, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện; dự đoán những khó khăn sẽ tác động tới công tác vận động hỗ trợ và trẻ em để đưa ra chỉ tiêu, biện pháp thích hợp.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ để tổ chức hoạt động với nhiều đổi mới về hình thức, nội dung; từ đó tạo được sự lan tỏa ý nghĩa của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tới toàn xã hội, có thêm nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ tham gia. chăm lo cho trẻ.
Vận động mọi nguồn lực hỗ trợ trẻ
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch Hội đồng bảo trợ và lãnh đạo Bộ. Nhiều sự kiện vận động nguồn lực và hỗ trợ trẻ em có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Với vai trò là Quỹ của Nhà nước, hoạt động mang tính từ thiện, nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc nên Quỹ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng xã hội.
Năm 2025, Quỹ phấn đấu vận động nguồn lực đạt 110 tỷ đồng với khoảng trên 110.000 lượt trẻ em được hỗ trợ.
Tính đến ngày 30/9/2024, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 86.953 lượt trẻ em (đạt 79% kế hoạch năm) với kinh phí hỗ trợ hơn 52 tỷ đồng.
Trong đó có một số hoạt động có tổng mức kinh phí hỗ trợ cao như: Phẫu thuật nụ cười, hỗ trợ xây dựng, hỗ trợ xe đạp, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ khác và hỗ trợ theo yêu cầu nhà tài trợ.
Riêng tháng Hành động vì trẻ em năm 2024, Quỹ đã triển khai hỗ trợ 16,3 tỷ đồng (đạt 90,3% kế hoạch) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.Dịp năm học mới và Tết Trung thu, từ giữa tháng 8/2024, Quỹ đã hỗ trợ và tặng quà cho hơn 29.900 lượt trẻ em tại hơn 30 tỉnh/thành trên toàn quốc với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng.
Vừa qua, Quỹ đã phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ trực tiếp cho 2.159 trẻ em bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại 19 tỉnh, thành phố với số kinh phí gần 4,56 tỷ đồng.
Dự kiến đến ngày 31/12/2024, Quỹ sẽ thực hiện hỗ trợ cho 118.000 lượt trẻ em (đạt 107,3 % kế hoạch năm) với kinh phí hơn 105 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đề xuất tiếp tục đổi mới công tác vận động cũng như tuyên truyền vận động nguồn lực; nâng cao và tăng cường hoạt động tập huấn cán bộ hệ thống Quỹ; hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thống nhất tổ chức bộ máy của hệ thống quỹ, đồng thời hướng dẫn quản lý, sử dụng quỹ bảo trợ trẻ em các cấp...
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tập trung vào các hoạt động hỗ trợ trẻ em bệnh tim bẩm sinh; hỗ trợ về học bổng, xe đạp; ứng phó và hỗ trợ kịp thời cho trẻ em bị ảnh hưởng bão lũ hoặc các tình huống khẩn cấp khác... để thể hiện đúng vai trò của Quỹ trong việc chăm lo cho trẻ./.