Chiều 17/9, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh An Giang nhân chuyến thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bày tỏ xúc động khi gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với Tổ quốc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn xác định, công tác chăm lo người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm lo người có công với cách mạng; hoàn thiện các chính sách, nguồn lực và điều kiện chăm lo ngày càng tốt hơn cho người có công.
Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước, nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Là địa phương còn nhiều khó khăn, song với đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, An Giang đã và đang chắt chiu, dành nguồn lực chăm lo cho người có công; quản lý, chăm sóc, tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ; quy tập hài cốt liệt sỹ; hoạt động trong các ngày lễ lớn...
Toàn tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, nhất là các thế hệ trẻ, từ đó, người có công tỉnh An Giang có cuộc sống tốt hơn, theo kịp sự phát triển của tỉnh, phần nào theo kịp sự phát triển của khu vực và cả nước.
Phó Chủ tịch nước mong muốn người có công tỉnh An Giang tiếp tục là tấm gương sáng, đóng công góp sức xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng địa phương phát triển; không trông chờ, ỷ lại vào các chủ trương, chính sách; là chỗ dựa tinh thần vững chắc để truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp của những người đi trước, gìn giữ hòa bình độc lập và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đó, đất nước đang dồn sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, tình hình khu vực và trong nước thuận lợi xen lẫn khó khăn.
Sau dịch bệnh, vừa qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại lớn cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có vai trò người có công, đất nước đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách, đạt được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao.
Phó Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực vươn lên của An Giang, có nhiều đóng góp vào kết quả chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhất là về nông nghiệp, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch nước đề nghị An Giang phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đề ra, đặc biệt quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, căn cứ cách mạng - nơi còn nhiều khó khăn.
Sở Lao động-Thương binh tỉnh An Giang rà soát tổng thể thực trạng đời sống người có công trên toàn tỉnh để có kế hoạch, việc làm thiết thực chăm lo về nhà ở, khen thưởng kháng chiến, việc làm, học hành của con em người có công... Đồng thời, tỉnh An Giang tiếp tục làm tốt công tác giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, đảng viên, nhân dân; truyền thống hào hùng dân tộc và quê hương, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, những năm qua, tỉnh An Giang luôn ưu tiên quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện đúng, đủ, kịp thời, công bằng, công khai chính sách ưu đãi và chăm lo nâng cao đời sống đối với người có công với cách mạng, thân nhân và gia đình người có công với cách mạng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn” và chăm lo người có công tỉnh An Giang đã tác động tích cực, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là cấp xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, quản lý công tác chăm sóc người có công.
Các hoạt động góp phần tạo điều kiện cho các hộ gia đình người có công vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đồng thời giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay An Giang quản lý trên 43.000 hồ sơ người có công, người tham gia cách mạng, trong đó có gần 10.000 hồ sơ liệt sỹ (kể cả hồ sơ nhập tỉnh); 759 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, khoảng 6.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; trên 10 nghìn lượt người hưởng trợ cấp hằng năm, một lần theo quy định, với kinh phí trên 200 tỷ đồng/năm. An Giang có 87 gia đình được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ./.