Phien 26/1, chung khoan chau A bien dong trai chieu sau nghi le hinh anh 1Màn hình hiển thị các chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong phiên giao dịch sáng 26/1, các thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương biến động ngược chiều giữa bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc các số liệu kinh tế mới công bố.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,79%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,6% bất chấp số liệu mới công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, và GDP quý 4 năm 2022 giảm 0,4% so với quý 3.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,12% xuống 27.361,1 điểm. Trong phiên, đồng yen giữ giá so với USD, giao dịch ở mức 129 yen đổi 1 USD, trước đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương) có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm lại.

Các thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đại lục và Australia vẫn đóng cửa nghỉ lễ.

Về phía các thị trường Âu-Mỹ, hầu hết các chỉ số chủ chốt đều giảm điểm trong phiên 25/1 sau khi nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo kinh doanh kém khả quan và nhà đầu tư chờ đợi số liệu tăng trưởng kinh tế sắp công bố của Mỹ.

 

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh) giảm 0,2% xuống 7.744,87 điểm. Chỉ số DAX của Đức và chỉ số CAC 40 của Pháp đều giảm 0,1% và lần lượt đóng cửa ở mức 15.081,64 điểm và 7.043,88 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại thị trường New York, chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.016,22 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq mất 0,2% và chốt phiên ở mức 11.313,357 điểm. Duy chỉ có chỉ số công nghiệp Dow Jones đi ngược chiều, với mức tăng nhẹ gần 0,1% và đóng cửa ở mức 33.743,84 điểm.

[Chứng khoán châu Á tăng lên mức cao nhất trong bảy tháng]

Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ do nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt công bố báo cáo kinh doanh kém khả quan của các “ông lớn” công nghệ. Hàng loạt đợt sa thải nhân viên, những mục tiêu không hoàn thành và dự báo ảm đạm đang trở thành cơn gió ngược với hầu hết các công ty công nghệ.

Cùng ngày, tập đoàn công nghệ Microsoft thông báo triển vọng kinh doanh nền tảng điện toán đám mây cho doanh nghiệp Azure không được như kỳ vọng, sau khi chỉ vừa mới công bố kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên. Trong khi đó, “ông lớn” hàng không Boeing thông báo lỗ trong báo cáo quý 4 năm 2022, với doanh thu thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang thông tin tài chính Briefing.com cho biết, dự báo về Azure cho thấy tăng trưởng đang chậm lại và các điều kiện kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn.

Các nhà đầu tư đang lo ngại về định giá cổ phiếu (liên quan đến báo cáo thu nhập) cũng như khả năng thị trường có thể đã “lạc quan hơi thái quá” khi tăng nóng trong tháng 1/2023 vừa rồi.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến số liệu tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 2022 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 26/1 (giờ địa phương).

Thị trường chứng khoán đã có một khởi đầu thuận lợi trong năm nay khi lạm phát chậm lại mở đường cho các ngân hàng trung ương điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất chậm lại. Tuy nhiên, giờ đây, trọng tâm đang chuyển sang những tác động về kinh tế của những đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm ngoái.

Những lo lắng về triển vọng tăng trưởng và tác động của lãi suất cao hơn đối với lợi nhuận doanh nghiệp đã xóa mờ kỳ vọng vào động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại sau gần ba năm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Nhà đầu tư đang chú ý đến cuộc họp chính sách của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới, với đồn đoán ngày càng tăng rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm - mức tăng nhỏ hơn những cuộc họp trước đó./.

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)