Phien 16/1, gia dau chau Au di xuong nhung van o muc cao hinh anh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 16/1, giá dầu tại thị trường châu Âu đi xuống, song vẫn gần mức cao nhất trong tháng này khi việc nới lỏng chính sách hạn chế tại Trung Quốc làm dấy lên hy vọng về đà phục hồi nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,08 USD (1,3%) xuống 84,20 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,01 USD (1,3%) xuống 78,85 USD/thùng. Phiên này, thị trường dầu Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

[Tác động của dịch COVID-19 tại Trung Quốc kéo giá dầu châu Á đi xuống]

Tuần trước, giá cả hai mặt hàng trên đều tăng hơn 8% và ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Mười sau khi Trung Quốc mở lại biên giới vào ngày 8/1.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 12/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tuần sẽ làm tăng triển vọng về nhu cầu nhiên liệu vận tải.

Bart Melek, chuyên gia tại công ty tài chính TD Securities, cho rằng Trung Quốc sẽ bổ sung đáng kể nhu cầu tiêu thụ, với ước tính lên tới một triệu thùng mỗi ngày.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng ANZ (Australia), đà phục hồi giao thông tại Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm dầu thô.

Tuy nhiên, các báo cáo vào cuối tuần qua cho thấy sự gia tăng số ca tử vong do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) dự báo giá dầu Brent có thể ổn định trong khoảng 85-90 USD/thùng, còn dầu WTI vào khoảng 80-85 USD/thùng.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và IEA sẽ công bố báo cáo hàng tháng của họ trong tuần này. Các nhà đầu tư đang chờ đợi các báo cáo này để theo dõi chặt chẽ về triển vọng cung và cầu toàn cầu./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)