Ngày 17/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về mục tiêu, định hướng phát triển, trong đó về thăm dò và khai thác than tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có; đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.
Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45-50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031-2045 (đạt khoảng 38-40 triệu tấn vào năm 2045).
Phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).
Về thị trường than, hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu...) và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030.
Hoàn thành việc nghiên cứu, thí điểm áp dụng chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.
Xóa bỏ rào cản để giá than minh bạch do thị trường quyết định
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược, Quyết định nêu rõ, về cơ chế chính sách, sẽ hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng theo hướng thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của đất nước trong tương lai.
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... để bảo đảm phát triển các dự án ngành than đáp ứng mục tiêu của Chiến lược.
Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá than minh bạch do thị trường quyết định.
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường hợp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết.
Liên thông, sáp nhập, hợp nhất để tạo ra các mỏ than quy mô lớn
Về tổ chức, tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các mỏ có quy mô sản lượng lớn.
Cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp than theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh. Tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả.
Về tài chính và đầu tư, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác điều tra, tìm kiếm cơ bản nguồn tài nguyên than trong nước từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn ưu đãi.
Đa dạng hóa nguồn và hình thức huy động vốn để đầu tư phát triển ngành than, nhất là đối với hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than và các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than hiện chưa làm chủ được công nghệ.
Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành than thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm có tích lũy và tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các dự án đầu tư từ vốn tự tích lũy của doanh nghiệp.
Thúc đẩy việc đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi công bằng cho ngành than phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam./.