Phe duyet chien luoc khai thac, su dung ben vung tai nguyen bien hinh anh 1Một góc vịnh Hạ Long. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 3/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

[Kinh tế biển xanh: Chiến lược quan trọng trong phát triển của Việt Nam]

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu. Các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả.

Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

 

Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.

Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển, hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.

Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Về định hướng, nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ các nội dung cơ bản gồm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)