Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù các đơn vị xuất bản, phát hành đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển sản phẩm, phương thức truyền thông, bán hàng, nhưng tổng doanh thu của các gian hàng tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt gần 29 tỷ đồng, giảm 10,4%; tổng số sách bán ra đạt 340.321 cuốn, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hình thức giao dịch, bán lẻ trực tiếp tại các gian hàng chiếm 57%, bán lẻ online chiếm 21%, còn lại bán sỉ 22%.
Riêng mảng sách dành cho thiếu nhi, lượng sách bán ra đạt 72.633 cuốn giảm đến 37% của năm 2023 nhưng doanh thu chỉ giảm nhẹ 1%, do năm ngoái các đơn vị đẩy mạnh chiết khấu, giảm giá sâu để tăng lượng bán.
Nếu như năm 2023 Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ doanh thu đến số bản sách bán ra thì 6 tháng đầu năm 2024 hơn một nửa đơn vị có doanh thu giảm mạnh (trung bình giảm hơn 26%).
Lý giải điều này, lãnh đạo Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng 6 tháng đầu năm 2023 sức mua tăng mạnh do tâm lý tiêu dùng và nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao sau đại dịch, sau đó giảm dần vào thời điểm cuối năm và giảm mạnh ở 6 tháng đầu năm 2024.
Các đơn vị tại Đường sách đã tích cực thay đổi chính sách bán hàng, tổ chức hoạt động sự kiện, tham gia tích cực các Hội sách… tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa đạt như kỳ vọng.
Dù lượng khách đến Đường sách vẫn đông vào các hoạt động chủ điểm, cuối tuần nhưng sức mua giai đoạn này giảm rõ rệt.
Theo lãnh đạo Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, sự suy giảm này không chỉ do ảnh hưởng của nền kinh tế, tâm lý thắt chặt chi tiêu mà còn một nguyên nhân khách quan là người đọc ngày càng có yêu cầu cao hơn cho việc lựa chọn sách; có nhiều cách để đọc hơn khi công nghệ ngày càng phát triển như sách nói, sách điện tử, trợ lý ảo.
Vì thế, doanh thu sách giấy giảm cũng nằm trong xu thế chung. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị không chỉ đầu tư chất lượng xuất bản phẩm mà còn đầu tư hình thức đọc đa dạng, phù hợp với tiêu chí chuyển đổi số trong xuất bản, tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu ấn phẩm, dự án mới, kênh bán hàng đa dạng, linh hoạt và nhanh chóng.
Cùng với hoạt động bán sách, hàng trăm chương trình, sự kiện được tổ chức tại Đường sách từ các sự kiện chính trị-văn hóa, trưng bày giới thiệu sách đến các hoạt động trải nghiệm, tương tác, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, người dân.
Không chỉ giới thiệu sách đơn thuần, các sự kiện còn tăng cường thêm những trải nghiệm mới cho bạn đọc như vẽ tranh, thi kể chuyện, vẽ bìa sách, làm sổ, móc khóa, sân chơi khoa học, thí nghiệm Toán-Lý-Hóa, kỹ năng sơ cấp cứu, phân loại rác thải…
Dù vậy, Đường sách vẫn chưa có nhiều hoạt động phục vụ bạn đọc, du khách nước ngoài; chưa có nhiều sân chơi văn hóa nghệ thuật vào buổi tối và sân chơi phục vụ giới trẻ.
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động hơn 8 năm với hơn 20 gian hàng của các đơn vị xuất bản, phát hành. Đây là mô hình đường sách đầu tiên trong cả nước được triển khai thành công.
Từ thành công đó, cuối năm 2023 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vào hoạt động Đường sách thành phố Thủ Đức (tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức) với mục tiêu tạo không gian văn hóa phục vụ người dân, thúc đẩy văn hóa đọc.
Hơn 6 tháng đi vào hoạt động, Đường sách thành phố Thủ Đức đạt doanh thu hơn 8,3 tỷ đồng với 122.747 cuốn sách được bán ra; trong đó, doanh thu từ sách thiếu nhi chiếm gần 20%, lượng sách thiếu nhi bán ra chiếm 48%.
Với đầu sách phong phú, sự kiện đa dạng, Đường sách thành phố Thủ Đức đã từng bước trở thành điểm đến yêu thích của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường trong khu vực.
Dự kiến thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển các không gian sách ở nhiều khu vực, như Quận 7, quận Bình Tân và huyện Củ Chi./.