Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 1Triển lãm là sự giao thoa giữa di sản và sự đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tranh dân gian Hàng Trống thường được biết đến với những bức tranh thờ, tranh Tết. Ít người biết rằng dòng tranh này cũng có những tác phẩm phản ánh sinh hoạt văn hóa của người dân.

Tại triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” do Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức, khai mạc vào chiều 6/4, người xem sẽ bắt gặp hình ảnh một xã hội thu nhỏ của thời trước qua bức “Hội Tây” hay đời sống thường ngày của người nông dân trong bức “Nghỉ ngơi.”

Đó là những bức tranh Hàng Trống mang chuẩn mực truyền thống do nghệ nhân Lê Đình Nghiên phục dựng, hiện nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung.

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu 23 tác phẩm của các họa sỹ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau cùng nằm không gian sắp đặt của hoạ sỹ Nguyễn Thế Sơn.

Triển lãm là kết quả của dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” đã được họa sỹ Nguyễn Thế Sơn khởi động từ vài năm gần đây. Ở đó, các họa sỹ trẻ đã nỗ lực đối thoại và tiếp nối giá trị của dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu khác của nền hội hoạ Việt Nam như sơn mài và lụa.

Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 2Khách tham quan tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Từ dự án, nhóm họa sỹ trẻ (khi đó là sinh viên chuyên ngành Sơn mài và Lụa thuộc khoa Hội Họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hoá dân tộc từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - Lê Đình Nghiên.

 

“Triển lãm là dịp để giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập tranh Hàng Trống đặc sắc cũng như sự kết hợp với những sáng tạo cá nhân của các những họa sỹ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước, luôn quan tâm đến các giá trị di sản truyền thống, văn hoá bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn,” họa sỹ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

[Đưa tranh Hàng Trống đến gần với khán giả trẻ nhờ công nghệ mới]

Một thành viên của dự án, họa sỹ trẻ Nguyễn Thị Như Quỳnh cho hay: “Sau khi quan sát, tìm hiểu, tôi thấy tranh Hàng Trống và tranh sơn mài có nhiều điểm giống nhau từ màu sắc có độ chuyển cho đến tính tỉ mỉ cần có khi vẽ, đặc biệt là chi tiết nét của tranh Hàng Trống rất hợp để đi nét bằng sơn mài.”

Chính vì vậy, Như Quỳnh đã tận dụng bản nét của tranh kết hợp với chất liệu tuyệt vời là sơn mài để tranh Hàng Trống có màu sắc mới, đa sắc độ và mang âm điệu vui tươi, với mong muốn mang lại một cảm xúc mới cho người xem.

Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 3Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (giữa) trò chuyện với khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nghệ nhân Lê Đình Nghiên bày tỏ sự vui mừng khi di sản của cha ông đang được thế hệ trẻ gìn giữ và lan tỏa.

“Triển lãm này chỉ giới thiệu được 23 bức tranh cổ, một phần nhỏ của di sản tranh dân gian Hàng Trống, nhưng theo tôi, điều đó cũng là rất đáng quý, đặc biệt là khi tranh Hàng Trống trở thành chất liệu, cảm hứng để các bạn trẻ sáng tạo, phát triển, mang dấu ấn nghệ thuật riêng của mình,” ông Lê Đình Nghiên nói.

Đánh giá về yếu tố nghệ thuật, tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho hay anh rất ấn tượng khi yếu tố di sản và yếu tố đổi mới sáng tạo song hành tại triển lãm này.

“Các họa sỹ trẻ đã phát triển giá trị của dòng tranh dân gian Hàng Trống trên những chất liệu truyền thống khác của mỹ thuật Việt như lụa, sơn mài đồng thời tìm cách thể hiện khác cho tác phẩm của mình như bình phong, lọ, vật liệu tái chế, khung thêu…,” tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế nhận xét.

Tranh Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, được đặt theo tên con phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, xưa thuộc huyện Thọ Xương của Kinh Thành Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.

Với cách làm sáng tạo, tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho rằng tranh dân gian Hàng Trống sẽ có một đời sống khác, ở những không gian đa dạng hơn, có tính ứng dụng cao hơn trong trang trí, kiến trúc…

Triển lãm kéo dài đến ngày 16/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ./.

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 4Thánh Mẫu Cửu Trùng - Tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 5Ông Hoàng Bảy - Tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 6Ngưu Lang-Chức Nữ - Tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 7Căn - Tác phẩm lụa của Hoàng Thị Việt Hương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 8Hội Tây - Tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 9Bộ bình phong của Bùi Kim Hiền và Nguyễn Cẩm Nhung lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 10Một số tác phẩm tranh thờ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 11Tranh Hàng Trống được thể hiện bằng kỹ thuật sơn mài. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 12Lọ sơn mài Xích Hổ Tướng quân của Nguyễn Thị Như Quỳnh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phat huy gia tri tranh Hang Trong bang thu nghiem tren son mai va lua hinh anh 13Trông - Tác phẩm sơn mài của Trương Hoàng Hải và Nguyễn Thị Hoài Giang. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

 

Minh Thu (Vietnam+)