Phát hiện sốc: Mẫu biển báo gây thêm tai nạn thay vì ngăn chặn

08:07 - 26/05/2022

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu biển báo tai nạn giao thông trong vòng 8 năm để đi đến một kết luận đáng ngạc nhiên.

 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu biển báo tai nạn giao thông trong vòng 8 năm để đi đến một kết luận đáng ngạc nhiên.

Một mẫu biển báo cập nhập số lượng ca tử vong ở Hawaii, Mỹ

Một mẫu biển báo cập nhập số lượng ca tử vong ở Hawaii, Mỹ

Phát hiện gây sốc

Ước tính, trên toàn thế giới có hơn 1,35 triệu người thiệt mạng mỗi năm trong các vụ va chạm xe. Nhằm giảm thiểu con số này, một số cơ quan quản lý đường cao tốc đã sử dụng các biển báo nhắc nhở tài xế.

Tại bang Texas, Mỹ, trong suốt một thập kỷ qua, gần 900 biển báo kỹ thuật số đã được lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc để gửi thông điệp lái xe an toàn cho người lái. Nội dung chủ yếu của những biển báo này thường là những thông điệp chung chung như "Không uống rượu khi lái xe". Ngoài ra, mỗi tháng một lần, các biển báo sẽ hiển thị cập nhật số người tử vong do TNGT đường bộ ở Texas.

Hầu hết các bang tại Mỹ đều có những biển báo tương tự như vậy nhằm ngăn ngừa TNGT. Tuy nhiên, một phân tích mới đây lại cho thấy những biển báo này không có tác dụng như mong muốn. Trong một bài báo vừa được công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu nhận thấy mẫu biển báo thông báo số người tử vong trên đường có liên quan đến việc gia tăng số vụ TNGT khoảng 1,35% trên các đoạn cao tốc phía sau biển báo.

Các nhà nghiên cứu cho hay, sự gia tăng tỷ lệ phần trăm tuy nhỏ nhưng có thể tác động lớn đến toàn tiểu bang Texas. Bài báo viết: "Các tính toán tổng thể cho thấy, chiến dịch này gây ra thêm 2.600 vụ tai nạn và 16 trường hợp tử vong mỗi năm, tiêu tốn chi phí xã hội 377 triệu USD/năm".

Nhà kinh tế học hành vi Joshua Madsen, một trong những đồng tác giả của bài báo khoa học cho hay ông lần đầu tiên nhận ra ảnh hưởng của mẫu biển báo này khi đang lái xe trên xa lộ ở bang Illinois.

"Tôi hơi hoảng sợ vì chưa bao giờ thấy bất cứ tình trạng nào như vậy trước đây. Sau khi nhìn thấy biển báo số liệu thống kê khủng khiếp, tâm trí tôi bắt đầu quay cuồng", ông nói.

Trải nghiệm này đã dẫn ông Madsen tới hợp tác với nhà kinh tế học vận tải Jonathan Hall để tìm ra tác động của các biển báo đối với tình trạng TNGT. Các nhà nghiên cứu tập trung vào bang Texas vì truyền thống cập nhật số vụ tai nạn hàng tháng trên cao tốc.

"Chúng tôi đã phân tích dữ liệu 800 thông điệp và tất cả các sự cố xảy ra ở Texas từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2017 để điều tra tác động của chiến dịch an toàn này", bài báo viết.

Kết quả cho thấy, số vụ tai nạn tăng thêm 1,52% trên đoạn đường dài khoảng 3 dặm (5 km) sau các biển báo hiển thị số người chết. Con số đó giảm nhẹ, còn 1,35% trên quãng đường khoảng 6 dặm (10 km) sau biển báo. Một phân tích riêng cho thấy rằng, con số tai nạn trên toàn tiểu bang thường cao hơn trong tuần thông điệp cập nhật số người tử vong được phát.

"Tác động của việc hiển thị thông báo về số người tử vong có thể so sánh với tác động của việc tăng giới hạn tốc độ từ 3-5 dặm/giờ hoặc giảm số lượng người tham gia giao thông trên đường cao tốc từ 6-14%", bài viết nêu rõ.

Nguyên nhân thực sự là gì?

Điều gì lý giải cho hiện tượng này? Hall và Madsen cho rằng, những thông điệp tiêu cực được thể hiện trực diện và được đóng khung như vậy thu hút quá nhiều sự chú ý, cản trở khả năng phản ứng của người lái trước những thay đổi của điều kiện giao thông.

Mặc dù dữ liệu trong nghiên cứu không thể giải thích tại sao hiện tượng này lại xảy ra nhưng thực tế cho thấy phát hiện của họ có căn cứ. Kết quả rà soát cho thấy, các vụ va chạm thường xảy ra hơn tại đoạn đường 1-2 dặm ngay sau biển báo, hoặc khi các biển báo hiển thị số người tử vong cao hơn hay khi biển báo được đặt tại những đoạn đường phức tạp.

Các nhà nghiên cứu không trực tiếp tham gia dự án này cho rằng, vấn đề có thể do sự quá tải thông tin xuất phát từ thiết kế của các thông điệp an toàn. Theo quan điểm của họ, việc công bố con số tử vong là không phù hợp vì nó làm tăng thêm lượng thông tin mà người lái phải tiếp nhận. Thông điệp phải có độ dài và định dạng giới hạn để đảm bảo rằng người lái xe có thể đọc nhanh và xử lý chính xác thông tin được trình bày trong thời gian ngắn.

Các nhà nghiên cứu trên cho rằng, nhiều người thường nghĩ người lái xe chỉ đơn giản là lướt qua và nhanh chóng bỏ qua các thông điệp mà họ cho là không cần thiết. Tuy nhiên, kết quả của Hall và Madsen phần nào cho thấy người lái có thể sẽ tiếp tục suy nghĩ về thông tin đó trong một khoảng thời gian dài hơn sau khi đọc thông điệp.

Dù mô hình thông điệp này dựa trên nền tảng tâm lý học nào thì dữ liệu thực tế cho thấy, biện pháp đảm bảo ATGT này có thể gây ra nhiều vụ TNGT hơn, thay vì ngăn chặn chúng.

 

Minh Phương (Theo interestingengineering.com)