Ngành Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 157.000 tỷ đồng, 245ha đất; chuyển 269 vụ sang cơ quan điều tra.
Đây là thông tin được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra, sáng 28/12, tại Hà Nội.
Chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực
Tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
Ngành Thanh tra cũng chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Tổng hợp số liệu cho thấy, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính, 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, 9.017 cá nhân.
Đáng chú ý, toàn ngành Thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy cho biết các cấp, ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (đạt 85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%).
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 25.823 trong tổng số 30.238 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 34 tỷ đồng, hơn 19ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân hơn 106 tỷ đồng, 1,5ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 26 tổ chức, 2.235 cá nhân; kiến nghị xử lý 543 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 17 vụ, 21 đối tượng.
Phát hiện 61 vụ việc, 107 người liên quan đến tham nhũng
Theo ông Dương Quốc Huy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong số đó, về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 4.653 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 164 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Các cấp, các ngành cũng tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 18.635 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Năm 2024, các cơ quan đã xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 6.775 người; từ đó đã kỷ luật 10 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Bên cạnh đó, trong kỳ báo cáo có 46 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 52 người.
Đáng chú ý, các cơ quan đã phát hiện 61 vụ việc, 107 người liên quan đến tham nhũng. Trong số đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 11 vụ, 19 người; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 36 vụ, 69 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 14 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng.
Năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 66,0% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).
Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng thu hồi 6.050 tỷ đồng (đạt 45,3%), 77 ha đất; xử lý hành chính 2.965 tổ chức, 11.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt 70,1%).
Về công tác xây dựng ngành Thanh tra, theo ông Dương Quốc Huy, năm 2024, ngành Thanh tra đã có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.
Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế về tổ chức cán bộ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; thực hiện tốt chính sách cán bộ; khen thưởng kịp thời, đúng quy định; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngành Thanh tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhận diện những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn chưa cao. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.
Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chưa quyết tâm, quyết liệt hoặc chưa có phương án phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Ngoài ra, cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra còn bất cập, một số cán bộ thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt./.
Nguồn: Phát hiện 61 vụ việc tham nhũng, xử lý 107 người | Vietnam+ (VietnamPlus)