Phát hiện 232 cán bộ, công chức lái xe vi phạm nồng độ cồn

17:45 - 07/04/2024

Chưa bao giờ người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông lại bị xử phạt nghiêm khắc, mức phạt cao không nhân nhượng, không có ngoại lệ kể cả cán bộ, công chức như hiện nay.

Phát hiện 232 cán bộ, công chức lái xe vi phạm nồng độ cồn- Ảnh 1.

Mọi đối tượng đều được kiểm tra, xử lý nghiêm nếu vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Ảnh minh họa

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Với mục tiêu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông... theo chủ đề của Năm ATGT 2024 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông", trong suốt thời gian qua, các cấp, các ngành đã cùng vào cuộc, đặc biệt là lực lượng CSGT toàn quốc đã kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT theo quy định của pháp luật với nhiều chuyên đề như: Xử lý xe quá tải, cơi nới thành thùng, vi phạm nồng độ cồn... trên tất cả các tuyến đường giao thông.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) chia sẻ, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, phấn đấu kéo giảm TNGT cả ba tiêu chí, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã "căng mình" xử lý vi phạm, tập trung vào nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó "mạnh tay" xử lý vi phạm nồng độ cồn, không chỉ ở lĩnh vực đường bộ mà trên đường sắt, đường thủy nội địa với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" để hình thành thói quen, văn hóa "Đã uống rượu, bia - không lái xe".

Theo đó, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến giao thông với mục đích "thay đổi nhận thức" của người tham gia giao thông về sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn. Để nâng cao hiệu quả của việc xử lý, Cục CSGT đã đưa các tổ công tác của Cục kết hợp với CSGT các địa phương hoặc các tổ công tác của Cục hoạt động độc lập để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, các tổ công tác của Cục CSGT tỏa về các địa phương để phối hợp với Công an trên địa bàn cả nước kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường gần quán nhậu, nhà hàng theo các khung giờ khác nhau, với phương châm "không có vùng cấm". Không chỉ trên đường bộ mà các tuyến đường sắt, đường thủy nội địa, Cục CSGT cũng thành lập các tổ công tác kiểm tra đột xuất đối với lái tàu, thuyền trưởng, qua đó đã phát hiện vi phạm của lái tàu hỏa, thuyền viên, từ đó xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), năm 2023, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 660.000 giấy phép lái xe, trong đó xử lý vi phạm về nồng độ cồn là hơn 770.000 trường hợp (tăng 460.000 trường hợp so với năm 2022). Qua xác minh phát hiện 232 trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn. Năm 2024, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ". "Chúng tôi không đặt nặng vấn đề xử phạt, mà mục tiêu quan trọng nhất là làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe", Đại tá Nhật nhấn mạnh.

Phát hiện 232 cán bộ, công chức lái xe vi phạm nồng độ cồn- Ảnh 2.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của nhân viên đường sắt

"Mạnh tay" xử lý vi phạm nồng độ cồn

Trước đây, những ngày nghỉ lễ, tết, lực lượng CSGT đều có phần "nhẹ tay" với các vi phạm nhằm tạo tâm lý vui vẻ cho người tham gia giao thông. Nhưng với tinh thần "thượng tôn pháp luật", thời gian gần đây, bất kể thời điểm nào, các lỗi vi phạm nồng độ đều bị xử lý nghiêm khắc.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin, chỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 41,25% tổng số vi phạm về trật tự ATGT); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng 21.373 trường hợp (277,7%). Một số địa phương xử lý nhiều vụ vi phạm nồng độ cồn như: TP. Hồ Chí Minh 2.576 trường hợp, Hà Nội 1.167 trường hợp, Đồng Nai 1.060 trường hợp, Bắc Giang 975 trường hợp, Nghệ An 886 trường hợp và Bình Phước 870 trường hợp...

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với chế tài xử phạt nặng như hiện nay (người điều khiển phương tiện ô tô 40 triệu đồng và 8 triệu đồng đối với xe máy - mức kịch khung) và hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng đã làm thay đổi nhận thức của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, các đối tượng là công chức, cán bộ nếu bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn đều có thông báo gửi về địa phương, cơ quan.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, rượu, bia là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu do TNGT ở Việt Nam. Pháp luật hiện nay đã có quy định rất rõ về việc cấm và chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích.

Rượu, bia được cảnh báo là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo "án tử" không hẹn trước cho những người cùng tham gia giao thông hoặc có khi họ tự làm hại chính bản thân mình.

Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, mục tiêu của quy định là quản lý, xử phạt để răn đe và giáo dục, giúp thay đổi hành vi. Các nghiên cứu cho thấy, đối với người tham gia giao thông thì mức phạt là quan trọng nhưng quan trọng hơn là cách phạt. "Chúng tôi rất đồng tình với đề xuất mới đây của Bộ Công an khi sắp tới sẽ hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với hệ dữ liệu quốc gia về trật tự ATGT, lúc đó tất cả các vi phạm được lưu trữ và quản lý bằng điểm. Khi bị trừ 1 điểm do vi phạm giao thông thì người vi phạm sẽ phải luôn nhớ và tự ý thức phải cố gắng đi nghiêm túc hơn, phải học tập những quy định pháp luật vì nếu tiếp tục sai phạm sẽ bị xử phạt, có thể bị thu bằng, đóng phạt cao", TS. Trần Hữu Minh nói và cho rằng, điều quan trọng là phải quản lý được vi phạm và tái phạm, đồng thời xử phạt lũy tiến với tái phạm. Điều này hoàn toàn có thể làm được nếu dữ liệu quốc gia về dân cư được kết hợp với hệ dữ liệu quốc gia về trật tự ATGT.

"Qua hệ thống dữ liệu, lực lượng CSGT có thể biết số lần vi phạm của người tham gia giao thông và có thể xử phạt lũy tiến. Ví dụ, một người vừa tháng trước vi phạm nồng độ cồn, tháng tiếp theo lại tái phạm thì mức phạt phải tăng lên nhiều, có như vậy mới thay đổi được nhận thức của người tham gia giao thông", TS. Trần Hữu Minh khẳng định.

Nguồn: “Không có vùng cấm” xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn (tapchigiaothong.vn)