Một người phát ngôn của nghiệp đoàn CGT cho biết công tác bảo trì tại 9 lò phản ứng hạt nhân của Pháp do EDF vận hành đã bị gián đoạn ngày 11/4 do cuộc đình công phản đối kế hoạch của chính phủ về cải cách chế độ hưu trí.
Theo nguồn tin trên, sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và hạt nhân tại Pháp đã giảm khoảng 8,2 GW.
Dữ liệu của Tổng công ty truyền tải điện Pháp (RTE) cho thấy con số này tương đương khoảng 16% tổng sản lượng điện của Pháp vào chiều 11/4.
Tuy nhiên, tổng lượng điện nhập khẩu từ các nước láng giềng chưa đến 1 GW, chứng tỏ nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Bãi công và biểu tình tiếp diễn sau khi cuộc đàm phán giữa đại diện cho 8 nghiệp đoàn chính tại Pháp với Thủ tướng Elisabeth Borne trong ngày 5/4, vốn được cho là nỗ lực cuối cùng để giải quyết những mâu thuẫn về cải cách chế độ hưu trí, đã thất bại.
Các nghiệp đoàn đề nghị rút lại dự luật trong khi Thủ tướng Borne khẳng định duy trì dự luật.
[Làn sóng đình công và biểu tình tại Pháp có dấu hiệu hạ nhiệt]
Đầu năm nay, Thủ tướng Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó tuổi nghỉ hưu nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.
Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Kể từ đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công thu hút nhiều người tham gia.
Hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình nhưng tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sỹ bỏ phiếu hồi trung tuần tháng trước.
Theo kế hoạch, Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cải cách chế độ hưu trí vào ngày 14/4 tới, "cửa ải" sau chót trước khi kế hoạch cải cách này được ký thành luật./.