Phap quyet tam to chuc Olympic Paris 2024 than thien voi moi truong hinh anh 1(Nguồn: AFP)

Ủy ban tổ chức Thế vận hội mùa Hè 2024 (Olympic Paris 2024) cho biết họ có kế hoạch tạo ra sự kiện thể thao "xanh" đầu tiên trên thế giới.

Khi còn 500 ngày trước khi sự kiện thể thao Olympic lớn nhất thế giới diễn ra tại thủ đô nước Pháp, Giám đốc môi trường của Thế vận hội mùa Hè 2024, bà Georgina Grenon cho biết: "Trong giới hạn mức khả thi về mặt kỹ thuật vào năm 2024, chúng tôi sẽ nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chúng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy chúng tôi có thể tổ chức Thế vận hội này với một nửa lượng khí thải."

Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 nêu rõ ngoài việc tài trợ cho các dự án để bù đắp những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, các tính toán của họ dựa trên việc giảm thiểu khí thải nhà kính và bù đắp lượng khí thải còn lại liên quan đến sự kiện.

[Olympic Paris 2024: Ban tổ chức công bố nhận diện hình ảnh của sự kiện]

Theo ủy ban tổ chức, họ có thể giảm 50% lượng khí thải CO2 từ 3,5 triệu tấn khí thải ra được ước tính trong quá trình diễn ra Thế vận hội mùa Hè 2012 tại London (Anh) và Thế vận hội 2016 tại Rio de janeiro (Brazil).

Ô nhiễm chủ yếu sẽ liên quan đến hoạt động đi lại, với 25% tổng lượng khí thải từ hoạt động di chuyển của khán giả và các hoạt động khác như nghỉ ngơi, ăn uống và an ninh.

 

Ủy ban tổ chức cũng ưu tiên sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, chọn nhiều địa điểm tổ chức gần phương tiện công cộng và phục vụ khán giả những món ăn được chế biến từ các nguồn "ít phát thải carbon" tại các địa điểm thi đấu.

Để bù đắp cho lượng khí thải, Uỷ ban tổ chức cũng tài trợ cho việc trồng cây để hấp thụ khí carbon và các dự án bảo tồn, phục hồi rừng và biển.

Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch trên.

Theo chuyên gia về thị trường mua bán phát thải của tổ chức Carbon Market Watch, bà Lindsay Otis Nilles, việc sự kiện này có tác động tích cực lên khí hậu là điều không thể.

Bà nêu rõ chính sự kiện đã tạo ra khí thải nhà kính, gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu, đồng thời cho rằng việc hỗ trợ tài chính của tổ chức cho các dự án bên ngoài không làm thay đổi điều này.

Trong khi đó, chuyên gia về thể thao sinh thái và là Giáo sư Đại học Loughborough (Anh), bà Madeleine Orr đánh giá cao nỗ lực của Uỷ ban tổ chức Thế vận hội, song vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng tổ chức sự kiện thể thao “bền vững.”

Bà cho rằng một sự kiện tầm cỡ quốc tế không thể hoàn toàn bền vững vì không thể tránh khỏi thải ra một lượng khí thải và chất thải ra môi trường, trong khi những biện pháp bù đắp cũng không hoàn hảo.

Chuyên gia này ủng hộ trong tương lai nên tổ chức các Thế vận hội ở quy mô nhỏ hơn với số lượng khán giả di chuyển bằng máy bay ít hơn, theo đó giảm nhu cầu sử dụng khách sạn, cũng như lượng rác thải ra môi trường.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature (Mỹ) năm 2021, các chuyên gia cho rằng 3 yếu tố có thể tạo nên một Thế vận hội thân thiện với môi trường gồm giảm quy mô tổ chức của sự kiện, luân phiên tổ chức tại các thành phố từng đăng cai và thực hiện tiêu chuẩn bền vững độc lập./.

Thu Vân (TTXVN/Vietnam+)