Phan Sao Nam da nop 1.384 ty dong trong so 1.475 ty dong thi hanh an hinh anh 1Bị cáo Phan Sào Nam khi đến tòa hồi tháng 11/2018. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Tư pháp diễn ra chiều 19/7 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết khó khăn lớn nhất khi thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản thực tế để thu hồi lại rất ít.

Có trường hợp có tài sản để đảm bảo thi hành nhưng giá trị, tính chất pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục kê biên các tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng gặp vướng mắc.

Về ý kiến để tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, ông Nguyễn Thắng Lợi cho rằng đây là quan điểm không mới.

Tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện..., chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, việc tội phạm ăn năn, hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản và khi xét xử được giảm án là cần thiết. Thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp này.

Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đã giao cho các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất, từ đó có quan điểm chính thức báo cáo đến các cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến kết quả thi hành án dân sự đối với 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, theo bản án phúc thẩm, Phan Sào Nam phải thi hành án với tổng số tiền 1.475 tỷ đồng. Hiện nay, phạm nhân này đã thi hành với số tiền rất lớn, khoảng 1.384 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Văn Dương, việc thi hành án đang rất khó khăn. Theo đó, Nguyễn Văn Dương bị buộc phải thi hành án dân sự với số tiền 1.655 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 315 tỷ đồng.

[Thu hồi tài sản tham nhũng: Quyết liệt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản]

"Nguyễn Văn Dương có một số tài sản để đảm bảo thi hành ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan thi hành án đã truy tìm, xác minh và xử lý," ông Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thắng Lợi khẳng định trong quá trình xác minh tài sản để thu hồi, cơ quan thi hành án chưa phát hiện phạm nhân Dương có dấu hiệu che giấu, tẩu tán hay cố tình không thi hành án dân sự.

Phan Sao Nam da nop 1.384 ty dong trong so 1.475 ty dong thi hanh an hinh anh 2Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sư Nguyễn Thắng Lợi trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thời gian qua, bộ, ngành tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kết quả, trong 9 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/6/2022), Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 348.490 việc (đạt 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt 29,47%). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo), tổng số tiền phải thi hành là hơn 129.619 tỷ đồng, số đã thi hành xong là gần 50.000 tỷ đồng, còn phải thi hành gần 80.000 tỷ đồng.

Trong các tháng cuối năm, bộ, ngành tư pháp sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Ban Bí thư; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, tổ chức theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính theo đúng quy định./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)