Phan phoi hang hoa qua nen tang so mo rong tieu dung noi dia hinh anh 1Các mặt hàng còn được giảm giá, khuyến mãi để người dân mua được nhiều đồ dùng hơn tại siêu thị lưu động. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9% cũng như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương xác định thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, Đề án về phát triển thương mại trong nước.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành công thương nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước.

 

[Chuyên gia Anh lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023]

Mặt khác, quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn,vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và hải đảo với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...

Ngoài ra, Bộ ưu tiên phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng Internet… đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Đặc biệt, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất-phân phối-tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau xem xét, sớm phê duyệt Tờ trình số 8525/BCT-TTTN của Bộ Công Thương về việc thông qua Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Cùng đó, chỉ đạo các cộ ngành, địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Phan phoi hang hoa qua nen tang so mo rong tieu dung noi dia hinh anh 2Người tiêu dùng mua hàng tại Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước.

Cụ thể như Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021); Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021); Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021).

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng đã được các doanh nghiệp tích cực triển khai. Dù không rầm rộ như thời điểm giữa và cuối năm song cũng góp phần giúp thị trường nội địa duy trì được tăng trưởng.

Chẳng hạn như trước tình trạng giá cam sành xuống sâu, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã thu mua gần một trăm tấn cam sành của tỉnh Vĩnh Long để bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ với giá 10.500 đồng/kg, kéo dài từ ngày 18-24/2 vừa qua.

Lazada Việt Nam cũng phối hợp cùng Foodmap đưa cam sành từ các nhà vườn lên sàn thương mại điện tử với giá chỉ 10.000 đồng/kg cam. Hệ thống siêu thị GO!, Big C của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng triển khai thu mua khoảng 25 tấn cam sành cho bà con Vĩnh Long.

Thống kê cho thấy tháng Hai vừa qua, thị trường hàng hóa kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết; đồng thời, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng Hai vừa qua đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước đó. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này thể hiện mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu trong nước đã được thiết lập ổn định, chặt chẽ và khá vững chắc. Nhờ vậy, dung lượng thị trường tiêu thụ trong nước tiếp tục được đẩy mạnh và mở rộng./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)