Phạm Thị Phương Thảo – Nữ Thi sĩ “Tiêm Vắc-Xin lạc quan” cho cộng đồng trong đại dịch Covid
04:44 - 17/07/2021
Sự sống và lòng biết ơn” - Tập trường ca đầy tính thời sự và dạt dào cảm xúc, được viết trong đại dịch Covid, ra mắt vào đầu tháng 7/2021 vừa qua. Tác giả Phạm Thị Phương Thảo gửi tới độc giả một loại Vắc-xin mang tên “Vắc-xin lạc quan”, thứ Vắc-xin mà mỗi người trong chúng ta ai cũng cần phải có, để biết trân trọng hơn giá trị của sự sống và lòng biết ơn.
Hà Nội một buổi sáng Chủ nhật, những cơn mưa xối xả mấy ngày qua đã gột rửa đi cái oi ả của chuỗi ngày hè nắng nóng. Mưa còn đọng lại trên nhành lá, những tia nắng đầu ngày len lỏi chiếu xuống, điểm xuyết trên những con phố của thủ đô một màu vàng lấp lánh. Hà Nội vốn rất đẹp, nhất là sau những cơn mưa.
Cuộc gặp gỡ tình cờ và trân quý
Nhận được lời mời trân quý của nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo đáng kính Tiến sĩ Phạm Việt Long – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, tôi dắt xe xuống phố, hít hà thật sâu chút “khí hiếm” sau chuỗi ngày dài giãn cách vì Covid-19. Hôm nay, Hà Nội trong mắt tôi bỗng trong xanh và đẹp đến lạ kỳ.
Qua hai con phố nhỏ, chỉ 10 phút đồng hồ, tôi đã có mặt tại nhà Tiến sĩ Phạm Việt Long. Chào đón tôi bằng sự nồng hậu ấm áp như chính con người bác, hạnh phúc biết bao!
Bước chân vào phòng khách, vang lên tiếng nhạc không lời trầm bổng nhẹ nhàng và sâu lắng, được phát ra từ chiếc đài Cát-sét cổ, bao phủ cả bầu không khí nơi đây. Kế bên bình hoa Thiên điểu vàng óng ả như những tia nắng ngoài kia, một vị khách nữ chào tôi bằng nụ cười đôn hậu. Ngơ ngác mất vài giây, bất giác tôi nhận ra, người phụ nữ này không ai khác, đó chính là nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo – Người phụ nữ đã dành cả tuổi trung niên, thêu dệt cả thiên nhiên vào thơ ca hội hoạ.
Tôi vội vàng lại gần và chào cô. Những tiếng cười, những câu chuyện về công việc và cuộc sống của ba thầy trò, cứ thế reo lên quện trong tiếng nhạc, như một bản tình ca.
Thi sĩ tài hoa
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo, người con của núi rừng Tây Bắc (tỉnh Lào Cai). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với 11 tập thơ (có 1 tập dành cho thiếu nhi: “Cún con nhỏ xíu), 2 trường ca, cùng 2 tập ký, tản văn, bà đã chuyển hóa tất thảy những nét đẹp tinh tuý nhất của con người và thiên nhiên vào trong 14 đứa con tinh thần của mình. Trong 14 tác phẩm đó có một số tác phẩm đã đạt giải như:
Cộng ta vào thế giới – Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam 2016. Vắt vẻo nằm ngang lưng ngựa - Hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2017. Quán quân Slam thơ 2018.
Năm 2019, nữ thi sĩ đã khiến độc giả phải nức lòng với tập trường ca Tiếng vọng nơi cửa sông (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), với gần 100 trang và 36 khúc, khi viết về người nông dân Đoàn Văn Vươn vùng biển cửa sông Văn ÚC (Tiên Lãng - Hải Phòng). Một câu chuyện xúc động, về vẻ đẹp trong lao động của người nông dân ven biển, tấm gương điển hình cho tinh thần vượt khó làm giàu và thành công.
Chứng kiến câu chuyện giữa hai nhà văn, tôi có nghe Tiến sĩ Phạm Việt Long nhắc đến cuốn trường ca, viết trong mùa Covid (01/2020 – 6/2021) mang tên Sự sống và lòng biết ơn (nhà xuất bản Hội Nhà văn), với 45 khúc xuyên suốt của nữ thi sĩ Phạm Thị Phương Thảo ra mắt độc giả đầu tháng 7/2021 vừa qua.
“Nữ chiến sĩ cầm bút” trên mặt trận chống dịch
Có rất nhiều tác phẩm thơ, nhạc, hội hoạ cổ động cho tinh thần chống dịch Covid-19, nhưng để viết thành cuốn trường ca, một cuộc đấu tranh dài hơi với Virus Vũ Hán, thì đến nay chỉ có Sự sống và lòng biết ơn của nữ thi sĩ Phương Thảo.
Chúng ta đều biết rằng đại dịch Covid 19 đã làm chao đảo sự bình an của cả thế giới. Corona Virus như một thứ “kẻ thù vô hình” đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta. Có một “thế giới khác” trong và sau đại dịch đã được hình thành.
Tất cả chúng ta cùng sống trong “ngôi nhà chung “ của hành tinh trái đất này và đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Song không vì thế mà con người bi quan và thất vọng. Tất cả chúng ta, mỗi người, bằng nhiều cách thức khác nhau, đều đang quyết tâm vượt qua những những tháng ngày đầy lo lắng và thách thức. Tất cả chúng ta đang triệt để thực hiện 5K của ngành Y tế và tiến tới mục tiêu tiêm vắc xin toàn dân để chiến thắng Corona Virus. Đó cũng là chủ để tư tưởng xuyên suốt trong trường ca.
Một người cầm bút, đã từng công tác nhiều năm trong ngành Y tế, thi sĩ tha thiết được cống hiến, chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Bà cũng như rất nhiều trí thức và các nhà thơ, nhà văn, các nhà báo chân chính khác, đều không thể ngồi im trước đại dịch, cần phải cất lên tiếng nói từ trái tim và từ lương tri bằng ngòi bút của mình. Chúng ta từng trăn trở trước nhiều hiện thực xã hội nhức nhối và đặt ra những câu hỏi: Thế giới rồi sẽ ra sao và mỗi người rồi sẽ sống thế nào? Trong khi tất cả chúng ta vẫn phải sống chung cùng đại dịch Covid-19?
Thông qua hình ảnh nhân vật “Nàng“ trong cuốn trường ca, thi sĩ Phương Thảo muốn bày tỏ thái độ và xâu chuỗi liên tục các sự kiện cho câu chuyện trong mùa đại dịch Covid, sự xuyên suốt từ đầu cho đến khi kết thúc của 45 khúc ca theo một mạch chuyện.
Covid-19 đã xuất hiện và huỷ hoại nhân loại gần 2 năm qua. Đó cũng là số năm cầm bút chiến đấu với chúng của nữ thi sĩ tài hoa. Văn nghệ sĩ chân chính thời nào cũng cần. Nhất là khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. |
Nhà thơ, nhà văn Phạm Thị Phương Thảo đã khái quát nội dung của cuốn trường ca, để độc giả có góc nhìn tổng thể hơn.
Nhận thức về đại dịch Covid, để luôn có những suy nghĩ và hành động đúng đắn là điều cần thiết. Mỗi khúc bà viết đi theo một trình tự thời gian từ đầu năm 2020 cho đến tháng 6/2021 và mang theo những nội dung khác nhau, nhưng chủ để chung toát lên vẫn là ca ngợi con người, đề cao khát vọng sống và tận hiến của những người nghệ sĩ, ước mong về một thế giới hòa bình, về một hành tinh xanh với thông điệp về sự sống và lòng biết ơn.
Đó còn là những vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống, của tình yêu thương, của sự chia sẻ. Bà muốn nhấn mạnh vai trò của những người phụ nữ, những người nội trợ trong đại dịch. Nhiều khúc trong trường ca là nỗi niềm đam mê văn học nghệ thuật nói chung và nhấn mạnh vai trò xã hội của những người nghệ sĩ. Họ là những người yêu cái đẹp và đang tạo ra cái đẹp cho mọi người thưởng thức.
Chủ để quan trọng nhất vẫn là sự trân trọng và biết ơn những nỗ lực cống hiến, hy sinh của ngành Y tế, của các bác sĩ, y tá, những người đang phải túc trực và xả thân ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Sau đến các lực lượng quân đội như công an, bộ đội và những người tình nguyện, cùng biết bao nhiêu tấm lòng đang ghé vai giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng Covid trong cộng đồng.
Đề cao sự nhân văn và những vẻ đẹp cuộc sống như: tình yêu thương, sự đùm bọc chia sẻ, tình yêu tự do, yêu hòa bình, lòng yêu nước thương nòi và tình yêu Tổ quốc Việt Nam. Khát vọng được sống và cống hiến, được tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ ngay trong đại dịch.
Mọi người đã chung sống cùng đại dịch, vẫn sống, vẫn yêu, vẫn cống hiến và tiếp tục làm việc online. Tất cả họ đã có những phấn đấu, hy sinh, nỗ lực cao để thành công trong môi trường vất vả và thiếu thốn khi toàn dân phải cách ly xã hội. Trẻ em và phụ nữ luôn được đề cao hơn trong trường ca này.
Trường ca gồm 45 khúc với 220 trang sách và một phần cuối cùng kết bằng khúc Vĩ Thanh.
Xin được tri ân tới các bác sĩ, y tá và các lực lượng công an, quân đội cùng những người tình nguyện và những tấm lòng vàng trong mùa Covid 19!
Xin biết ơn tất cả !
Thế giới rồi sẽ ra sao? và mỗi người rồi sẽ thế nào? Trong khi tất cả chúng ta vẫn phải sống chung cùng đại dịch Covid 19? Những câu hỏi, những quan sát, những ghi chép, những suy ngẫm và nhìn nhận về một thế giới đang biến động trong đại dịch, ngay từ khi bắt đầu trong cái Tết 2020 cho đến cuối tháng 6/2021 là cả một thời gian dài. Sau gần hai năm cả thế giới chao đảo khi phải chung sống với đại dịch, ai cũng phải tự thay đổi.
Bên cạnh những nỗi lo lắng chung thì trong bản thân mỗi người cũng có những biến đổi, việc tự khám phá bản thân luôn là điều bất ngờ và thú vị. Nhận thức về đại dịch Covid, để luôn có những suy nghĩ và hành động đúng đắn là điều cần thiết. Trân trọng và biết ơn những nỗ lực cống hiến, hy sinh của các bác sĩ, y tá và các lực lượng quân đội như công an, bộ đội và những người tình nguyện cùng những tấm lòng chia sẻ trong cộng đồng.
Sống chậm trong đại dịch Covid 19 - để trân trọng hơn ngôi nhà thân thương của bạn.
Sống chậm - để nhận ra giá trị của từng khoảnh khắc yêu thương bên gia đình.
Sống chậm - để thấy thế giới gần nhau hơn, mọi suy nghĩ và hành động tích cực hơn
Người ta cần nhìn nhận lại ý nghĩa cuộc sống, giá trị của sự sống và lòng biết ơn. "Khi lòng người luôn gieo hạt thiện, thế gian này sẽ nở hoa.”
Qua nội dung bản trường ca Covid-19, nhà văn Phương Thảo chia sẻ. “Tôi nhận thấy đây thực sự là một cuộc chiến dài hơi và tất cả chúng ta đều là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. “Nàng” trong tác phẩm, một nhân vật nặng lòng nhất, chứng kiến sự đổi thay, biến động nhiều nhất và cũng là người lạc quan nhất. “Nàng” trong nhiều vai trò, một người phụ nữ chống dịch, một công dân yêu nước chống dịch, thi sĩ đầy mộng mơ chống dịch. Niềm tin chiến thắng đại dịch Covid đang hiển hiện trên muôn vàn nụ cười trên dải đất Việt Nam Nàng tin vững chắc vào điều đó, như tin vào con đường mình đã chọn! |
Tác giả Phương Thảo muốn gửi gắm lòng biết ơn và những thông điệp về sống chậm, (như đã nói ở trên). Tôi nhận thấy, phải chăng ¾ thế giới trong bản trường ca là Phụ nữ. Sự hi sinh thầm lặng, những đóng góp lớn lao của họ xứng đáng được nhiều hơn thế. “Vắc-xin lạc quan”, thứ Vắc-xin mà mỗi người trong chúng ta ai cũng cần phải có, để vượt qua những ngày tháng khó khăn này và trân trọng hơn giá trị của sự sống và lòng biết ơn”. |
Thi sĩ của thiên nhiên
Độc giả thường thấy hình ảnh cỏ cây hoa lá trong những tác phẩm của thi sĩ Phương Thảo. Một người phụ nữ yêu say và mê đắm với thiên nhiên. Ngay cái tên mà cha mẹ đặt cho bà - Phương Thảo cũng chính là một miền cỏ thơm. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng Lào Cai- một vùng biên cương đẹp đẽ và hoang sơ ở phía Bắc tổ quốc.
“Nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt “!
Nơi ấy thiên nhiên rất đẹp và con người cũng lãng mạn và hiền hoà!
Nữ thi sĩ yêu cỏ cây hoa lá bởi vẻ đẹp tự nhiên và sự giản dị của nó.
Dưới hình thức phong phú và dáng vẻ mềm mại là một sức sống vô cùng bền bỉ, mạnh mẽ và phi thường. Thi sĩ mong mình được sống như một cái cây xanh, luôn an nhiên và tự tại, yêu thương hết mình và biết chia sẻ yêu thương, kiên cường trong giông bão và hướng đến ánh nắng mặt trời. Hoa cỏ luôn là một thế giới bí ẩn mà bà muốn được khám phá và thể hiện nó trong những bức hội hoạ của mình.
Phải chăng đó chính là thiên chức của người cầm bút chân chính. Cô vẫn sẽ vẽ, vẫn cứ viết và tiếp tục làm thơ, như chính cái tên của mình, Phương Thảo - Hoa cỏ núi rừng Tây Bắc mãi toả sắc khoe hương. |
https://vanhoavaphattrien.vn/pham-thi-phuong-thao-nu-thi-si-tiem-vac-xin-lac-quan-cho-cong-dong-trong-dai-dich-covid-a2498.html