Hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) đều khẳng định đảm bảo cung ứng đủ sản lượng xăng dầu theo hợp đồng đã cam kết với các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền.

Tuân thủ cam kết sản lượng hợp đồng

Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ở trong nước, trong 9 tháng qua, Petrolimex đã nhập khẩu gần 3,383 triệu m3/tấn xăng dầu từ nước ngoài, mua của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hơn 2,513 triệu m3/tấn xăng dầu và hơn 2,165 triệu m3/tấn xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Tỷ trọng nhập khẩu và mua trong nước tương ứng lần lượt là 42%, 31% và 27%.

Đại diện Petrolimex cho biết hiện tập đoàn đang cung cấp xăng dầu cho khoảng 120 thương nhân phân phối và 1.800 thương nhân nhượng quyền. Với các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền này, Tập đoàn luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng theo đúng cam kết về sản lượng trong hợp đồng.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam là PVOIL cũng khẳng định luôn tuân thủ đúng sản lượng hợp đồng đã ký với các đại lý xăng dầu dài hạn, thường xuyên của PVOIL.

Việc chốt sản lượng giữa hai bên thường dài hạn và ngay từ sớm để PVOIL có thể đàm phán hợp đồng sản lượng nhập khẩu với các nhà cung cấp ở Singapore cũng như với hai nhà máy lọc dầu trong nước là Lọc dầu Dung Quất và Lọc dầu Nghi Sơn, chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết.

[Giảm hơn 600 đồng, giá xăng RON95-III về ngưỡng 22.500 đồng mỗi lít]

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trên thực tế, các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền thường chỉ ký hợp đồng mua cố định khoảng 60-70% sản lượng từ một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, phần còn lại mua từ các đầu mối khác.

Vì vậy, khi thị trường có biến động mạnh, các đầu mối khác không đủ hàng để bán sẽ xảy ra tình trạng các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền bị thiếu hàng cục bộ như thời gian vừa qua.

Không dễ tăng sản lượng tạo nguồn

Theo đại diện Petrolimex, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ thời gian qua do công tác tạo nguồn của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa theo kịp cho nhu cầu xăng dầu trong nước tăng cao.

Bên cạnh đó, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đủ nguồn lực, kinh doanh thua lỗ khi giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp, chiết khấu cho kênh trung gian không đủ trang trải chi phí khiến các thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, dẫn đến khan hiếm xăng dầu cục bộ.

Petrolimex va PVOIL khang dinh tuan thu san luong hop dong xang dau hinh anh 1Một cây xăng của PVOIL. (Ảnh: TTXVN)

Cũng lý giải về những khó khăn trong việc tăng sản lượng tạo nguồn ở thời điểm hiện nay, chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương cho biết việc ký hợp đồng nhập khẩu xăng dầu của PVOIL với các nhà cung cấp nước ngoài đều được “chốt” sản lượng từ sớm; trong đó biên độ dao động tối đa là 5% sản lượng hợp đồng. Vì vậy khi nhu cầu xăng dầu trong nước tăng cao, PVOIL cũng chỉ có thể yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài tăng thêm tối đa 5% sản lượng hợp đồng.

Thực tế là xung đột Nga-Ukraine và các lệnh cấm vận xăng dầu của Nga đang khiến nguồn cung xăng dầu cho châu Âu bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp châu Âu đang "đổ xô" sang Singapore-trung tâm lọc dầu lớn của khu vực Đông Nam Á để tìm nguồn thay thế cho nguồn xăng dầu của Nga.

Vì vậy, nếu như trước đây các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam có thể dễ dàng mua xăng dầu thành phẩm từ Singapore thì hiện nay nguồn hàng từ Singapore phải chia sẻ với các doanh nghiệp châu Âu, dẫn tới bị thiếu hụt.

Trong khi đó, công suất các nhà máy lọc dầu tại Singapore cũng có hạn và không thể tăng sản lượng quá nhanh trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng dầu thô thì sẵn nhưng xăng dầu thành phẩm lại thiếu hụt.

Tại thời điểm hiện nay, theo chia sẻ của nhiều thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu, thị trường xăng dầu thành phẩm trên thế giới và khu vực là “thị trường của người bán” (thị trường đặc trưng bởi sự thiếu hụt hàng hóa có sẵn để bán, dẫn đến quyền định giá cho người bán) nên với giá xăng dầu thành phẩm bị đẩy lên, các phụ phí xăng dầu cũng tăng cao khiến các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tăng thêm sản lượng nhập khẩu.

Trong khi đó, việc nhiều ngân hàng siết tín dụng khiến một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không vay được tiền, cộng thêm sự điều hành giá xăng dầu trong nước liên tục giảm như thời gian qua dẫn tới tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Không chỉ khó khăn trong tăng nhập khẩu, việc tăng sản lượng tạo nguồn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng chỉ ở ngưỡng nhất định để đảm bảo an toàn. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện cả hai nhà máy đều đang hoạt động vượt công suất nhưng cũng chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Số liệu từ Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)-đơn vị đang quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa công bố cho thấy, trong 9 tháng của năm nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành với 105% công suất, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu, vượt 6% kế hoạch. BSR cũng bán ra hơn 5 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch 9 tháng.

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, Petrolimex đang chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn. Cụ thể, Petrolimex đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước có những cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đối với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, với bề dày lịch sử kinh doanh xăng dầu và uy tín trên thị trường trong nhiều năm, Petrolimex đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy, ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ.

Bên cạnh đó, Petrolimex liên tục nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến của thị trường để linh hoạt xử lý, kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống. Đặc biệt, Petrolimex đã quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống đảm bảo cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối thuộc Petrolimex, phù hợp cam kết hợp đồng và bảo đảm tiến độ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chủ tịch Cao Hoài Dương cũng cho biết, PVOIL cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu trực thuộc và các cửa hàng nhượng quyền trên khắp cả nước.

Thực tế PVOIL thường xuyên mua với sản lượng lớn, có khả năng thanh toán cũng như có uy tín với bạn hàng nên luôn được nhà cung cấp nước ngoài và các nhà sản xuất xăng dầu trong nước “ưu tiên” đáp ứng cao nhất sản lượng mua. Nhờ vậy, sản lượng xăng dầu bán ra của PVOIL trong năm 2022 dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là thị trường hàng hóa xăng dầu; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra mức giá trần giống như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Thực tế, việc nhập khẩu xăng dầu không quá khó, vấn đề chỉ là cơ chế giá.

Ngoài ra, giá bán lẻ xăng dầu trong nước luôn có độ trễ, không phản ánh đúng xu hướng giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn, đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường. Vì vậy, VINPA đề nghị việc điều hành xăng dầu trong nước cần tuân thủ kỳ điều hành đúng quy định.

Về phía cơ quan quản lý, ngay trong chiều tối 7/10, Liên bộ Công Thương-Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 tới.

Việc này nhằm bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ./.

Anh Nguyễn (TTXVN/Vietnam+)