Oto duoc luu thong qua cau vuot Nguyen Huu Canh tu cuoi thang 2 hinh anh 1Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. (Nguồn: TTXVN)

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/2, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến cuối tháng 2, ôtô sẽ được chạy qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), sau hơn 4 tháng bị cấm để kiểm định vì sự cố đứt cáp. 

Theo ông Bùi Hòa An, việc khắc phục sự cố đứt cáp ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 2 này, khi đó các loại xe sẽ được chạy bình thường trở lại. Hiện, chỉ có xe máy đủ điều kiện qua cầu từ 31/12/2022, ôtô vẫn bị cấm.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị phát hiện đứt cáp ngầm giữa tháng 9/2022, khiến mặt cầu võng xuống, kèm nhiều vết nứt. Nguyên nhân đứt cáp được cho là do thi công hệ thống thoát nước của dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Sau đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 490 triệu đồng để mời đơn vị kiểm định độc lập, giám định nguyên nhân sự cố đứt cáp ngầm cầu Nguyễn Hữu Cảnh trước khi đưa ra phương án xử lý.

[Đề xuất phương án khắc phục vụ đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh]

Do cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nên việc cấm xe từ ngày 29/9/2022 đã ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực.

 

Về 4 tuyến đường "đắt nhất Sài Gòn" nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), ông Bùi Hòa An thông tin, đó là 4 tuyến đường R1, R2, R3 và R4, với tổng chiều dài 11,9km, chiều rộng mặt cắt ngang từ 11,6-55m.

Khởi công xây dựng vào tháng 2/2014, thời gian dự kiến hoàn thành là 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay đã 9 năm mà cả 4 tuyến đường đều chưa được bàn giao và sử dụng.

Việc đầu tư 4 tuyến đường nhằm tạo động lực thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư từng bước quan tâm hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng khu đô thị mới hiện đại, từng bước thực hiện quy hoạch hệ thống hạ tầng...

Theo các thông tin trước đó, tổng mức đầu tư 4 tuyến đường là trên 12.000 tỷ đồng, tức mỗi km đường tốn hàng nghìn tỷ để xây dựng. Tuy nhiên, ông Bùi Hòa An đính chính, sau khi cơ quan kiểm toán nhà nước thanh kiểm tra, xem xét lại, tổng mức đầu tư dự án là 8.265 tỷ.

Hợp đồng đầu tư dự án đã được Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2013 và có thêm phụ lục hợp đồng vào năm 2017. Hiện nay, khối lượng thi công đạt 85%, và tạm ngưng thi công từ 2/2017 do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vướng mắc này, dự án đã ngưng thi công gần 9 năm.

"Do đó, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ký thêm phụ lục hợp đồng để sớm hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán đưa vào sử dụng," Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nói./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)