OECD khuyen nghi Canada ve chuyen doi sang nen kinh te carbon thap hinh anh 1Đồng đôla Canada. (Ảnh: CFI/TTXVN)

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Canada đã phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng COVID-19 nhưng vẫn phải đối mặt với rủi ro từ lạm phát cao và những bất ổn kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Cuộc khảo sát kinh tế mới nhất của OECD về Canada cho biết tiêu chuẩn sống cao hơn sẽ đòi hỏi phải cải thiện môi trường kinh doanh để đưa năng suất thấp và tăng trưởng đầu tư của Canada trở lại phù hợp với các nền kinh tế hàng đầu của OECD.

Những cải cách để cải thiện hiệu quả chi tiêu và thuế sẽ giúp chính quyền liên bang và tỉnh tiếp tục tài trợ cho các cam kết quan trọng mà không gây áp lực lên ngân sách.

Theo ông Alvaro Pereira - Nhà kinh tế trưởng của OECD, giống như nhiều nền kinh tế, Canada phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc giải quyết lạm phát mà không làm suy yếu hoạt động kinh tế.

Chính sách tài chính và tiền tệ cần phải hoạt động song song để giảm bớt áp lực lạm phát trong khi chính phủ củng cố tài chính công. Trong khi đó, cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường năng suất thông qua việc loại bỏ các rào cản đối với thương mại và cạnh tranh bên trong.

[2023 sẽ là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Canada]

 

Khảo sát đưa ra các dự báo cập nhật về tăng trưởng GDP của Canada là 1,3% cho năm 2023 và 1,5% cho năm 2024. Chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm qua sẽ giúp giảm lạm phát xuống 2% vào cuối năm 2024.

Thâm hụt ngân sách tổng hợp ở tất cả các cấp chính quyền ước tính giảm xuống còn 0,6% GDP vào năm 2022 sau khi đạt mức cao nhất là 11,4% vào năm 2020.

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh những thách thức mà Canada phải đối mặt trong việc đạt được các mục tiêu chính sách khí hậu. Là nhà sản xuất chính dầu thô và khí đốt tự nhiên, Canada thải ra nhiều khí thải nhà kính trên mỗi người hơn hầu hết các quốc gia OECD khác.

Thời tiết và địa lý góp phần tạo ra nhu cầu năng lượng lớn để sưởi ấm nhà cửa, vận tải người và hàng hóa qua những khoảng cách lớn, điều này cũng làm tăng cường độ phát thải của hoạt động kinh tế.

Chính phủ Canada đã đưa ra nhiều chính sách để khử carbon cho nền kinh tế, nhưng để đạt được các mục tiêu khí hậu và đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ cần tiết kiệm năng lượng sâu và hành động rộng rãi để thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng sạch./.

Viết Tuân (TTXVN/Vietnam+)