Ô tô nhập khẩu khó càng thêm khó
17:14 - 17/07/2023
Trong khi ô tô lắp ráp trong nước bắt đầu trút bỏ được không ít áp lực nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ thì các loại xe nhập khẩu lại rơi vào tình thế trái ngược.
Kể từ ngày 1/7, các loại ô tô sản xuất, lắp áp trong nước đã bắt đầu được giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ. Trong bối cảnh sức mua suy giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp ô tô trong nước đã phải chi ra những khoản tiền rất lớn để khuyến mại, kích cầu mua sắm.
Theo ước tính, một số hãng xe lớn như Hyundai, Kia, Ford hay Toyota… đã phải "móc hầu bao" hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các đợt giảm giá, khuyến mại. Bởi vậy, Nghị định 41 về lệ phí trước bạ của Chính phủ sẽ giúp các hãng xe trong nước trút bỏ được gánh nặng chi phí khổng lồ.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất trong nước lại vô hình trung trở thành một "cú bồi" vào cơ thể vốn đang kiệt quệ của xe nhập khẩu nguyên chiếc. Gần như trọn vẹn giai đoạn nửa đầu năm, các hãng xe nhập khẩu cũng đã phải "cắt máu" để kích cầu không thua kém gì các hãng xe trong nước. Không ít nhà nhập khẩu ô tô chính hãng đang rơi vào tình cảnh kiệt quệ về tài chính sau quãng thời gian dài giảm giá, khuyến mại.
Do đó, để cạnh tranh với xe lắp ráp, các hãng xe nhập khẩu bắt buộc phải tiếp tục duy trì các hoạt động kích cầu. Thậm chí, đứng trước khả năng xe trong nước cộng gộp nỗ lực giảm giá nội tại với chính sách hỗ trợ từ nhà nước, xe nhập khẩu buộc phải gia tăng khuyến mại mới mong duy trì được hoạt động kinh doanh.
Đại diện một số nhà nhập khẩu chính hãng chia sẻ, những nỗ lực kích cầu kéo dài gần như trọn vẹn giai đoạn 6 tháng đầu năm đã khiến nhiều hãng xe rơi vào tình cảnh suy kiệt. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm đến phân nửa nhân sự, các đại lý chìm trong cảnh đìu hiu. Trong khi đó, lượng xe tồn kho vẫn rất lớn, các hợp đồng đã ký từ cuối năm ngoái vẫn tiếp tục phải thực hiện nốt càng khiến cho khả năng chống đỡ ngày càng trở nên yếu ớt.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, ước tính đã có 69.954 xe ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước, giá trị kim ngạch ước đạt 1,627 tỷ USD. Đây là một con số khá bất ngờ bởi so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU nửa đầu năm nay vẫn tăng 9,9% về lượng và tăng 3,7% về giá trị.
Theo lý giải của đại diện một số hãng xe nhập khẩu, hiện tượng kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng trái ngược với tình hình thị trường trong nước là bởi lượng ô tô về nước thời gian qua là những lô xe đã được ký hợp đồng từ năm 2022 với đối tác nước ngoài và nay mới cập cảng, thông quan. Trên thực tế, kể từ đầu quý 2/2023 đến nay, các hãng xe đã cắt giảm đa số hợp đồng nhập khẩu.
Bức tranh toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm 2023 có thể sẽ có những mảng màu tươi sáng hơn so với đầu năm nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực sẽ chủ yếu diễn ra ở phân mảng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đối với ô tô nhập khẩu, tình thế có thể sẽ còn bi đát hơn.
"Không loại trừ khả năng nhiều hãng xe trong nước sẽ tiếp tục duy trì giảm giá, khuyến mại như các tháng trước để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khi cộng thêm chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ, giá xe CKD sẽ còn giảm sâu, cao nhất có thể đến 18%, một con số khủng khiếp. Các hãng xe nhập khẩu bắt buộc sẽ phải tiếp tục giảm giá, khuyến mại mới mong cạnh tranh và… bán được xe. Nhưng để có được mức giảm sâu như như xe CKD gần như là không thể, trừ khi chấp nhận bán hàng kiểu "thanh lý", dọn kho trước khi biến mất khỏi thị trường", đại diện một nhà phân phối ô tô nhập khẩu trần tình.
Một viễn cảnh đầy u ám của thị trường ô tô trong nước ngày càng trở nên rõ nét. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn bế tắc, đời sống kinh tế của người dân còn phải đối mặt với tình cảnh "ăn đong" thì lực cầu ô tô trên thị trường vẫn sẽ rất yếu. Riêng với ô tô nhập khẩu, khó khăn sẽ còn chồng chất khó khăn.