Ô tô điện và nghịch lý Gen Z, Millennials
08:02 - 21/08/2023
Gen Z và Millennials được đánh giá là lực lượng nắm vai trò quyết định đến tương lại thị trường ô tô điện Việt Nam. Tuy nhiên, nghịch lý là nhóm đánh giá rất cao loại hình ô tô điện song lại ít quan tâm đến việc chuyển đổi.
Vero, hãng tư vấn truyền thông thương hiệu tại ASEAN, vừa công bố bản báo cáo nghiên cứu về tương lai thị trường ô tô điện Việt Nam. Trong đó, các kết quả nghiên cứu về nhóm người tiêu dùng thuộc gen Z và Millennials được cho là sẽ có tác động rất lớn đến tương lai di chuyển xanh và thị trường xe điện.
Kết quả khảo sát của Vero cho thấy, Gen Z và Millennials (độ tuổi từ 18-34) là nhóm khách hàng nhận định xe điện là phương tiện thân thiện với môi trường hơn các nhóm khách hàng khác. Tuy nhiên, nghịch lý thú vị là chính những người tiêu dùng trẻ này lại ít có xu hướng sở hữu một chiếc xe điện cho riêng mình hơn các lực lượng tiêu dùng khác.
Hiện nay, giới trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z chiếm hơn 1/2 dân số Việt Nam. Dự kiến đến năm 2030, nhóm người tiêu dùng ở độ tuổi này sẽ đóng góp khoảng 40% vào tổng lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam. Và thật mâu thuẫn khi Gen Z và Millennials ít quan tâm đến việc chuyển đổi sang xe điện bởi đây là thế hệ tiếp xúc với công nghệ rất sớm và có nhận thức xã hội cao.
Vì vậy, Vero đã nghiên cứu và xác định được 2 hành vi ảnh hưởng đến việc Gen Z và Millennials do dự khi chuyển sang sử dụng xe thuần điện.
Đầu tiên là các dịch vụ taxi công nghệ tại Việt Nam đang không chỉ ngày càng phổ biến mà còn bắt đầu thay thế xe xăng truyền thống sang sử dụng xe điện. Với sự đa dạng của các dịch vụ taxi, người dùng dễ dàng di chuyển trong và ngoài thành phố. Điều này khiến Gen Z và Millennials ít ưu tiên việc sở hữu ô tô điện.
Thứ hai là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chi phí sở hữu và bảo dưỡng một chiếc ô tô (cả xe điện lẫn xe xăng) cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân của Gen Z và Millennials.
Theo kết quả khảo sát từ Vero, những người trong độ tuổi từ 18-34 có thu nhập trung bình từ 10-25 triệu đồng. Hơn hết, nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi này lại thích trải nghiệm hơn là sở hữu. Đây cũng là lý do vì sao Gen Z và Millennials thích thuê một chiếc ô tô, chọn dùng ứng dụng đặt xe hơn là sở hữu một chiếc ô tô riêng.
"Bảo vệ môi trường không chỉ liên quan đến hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu của xe và giảm thiếu các tác động tiêu cực mà quan trọng hơn là cách chúng ta sử dụng các loại nhiên liệu bền vững với hệ sinh thái mà chúng ta đang sống. Đây cũng là lý do mà ngành công nghiệp ô tô thế giới cũng như Việt Nam đều khuyến khích áp dụng xe điện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhưng trên thực tế, xe điện không hoàn toàn loại bỏ khí thải mà chỉ ít phát thải hơn. Xét về yếu tố này, tôi cho rằng ứng dụng đặt xe công nghệ hay taxi thuần điện sẽ thân thiện với môi trường và hiệu quả hơn về chi phí so với việc sở hữu riêng một chiếc xe điện", Khánh Linh, nữ nhân viên ngân hàng thuộc thế hệ Millennials tại TP.HCM, chia sẻ.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận định có thể ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng thế hệ Z và Millennials chưa thực sự quan tâm đến việc sở hữu xe điện. Nhưng đây là thế hệ đại diện cho tệp khách hàng tiềm năng trong tương lai. "Khi Gen Z và Millennials xây dựng gia đình, họ sẽ ưu tiên hơn các yếu tố tạo nên sự tiện lợi. Vì vậy, các thương hiệu xe điện cần liên tục tương tác và giao tiếp với họ để thiết lập các mối quan hệ lâu dài và khuyến khích việc chuyển sang sử dụng xe điện trong tương lai", bản báo cáo nhận định.
Giải phải nào để chinh phục thị trường xe điện?
Theo các chuyên gia, cho đến thời điểm này, xe thuần điện vẫn đang nằm ở ranh giới giữa lựa chọn hay không lựa chọn, kể cả những tranh luận đã xuất hiện từ hàng thập niên trước và vấn đề phát thải cũng những tác động cuối cùng đến môi trường. Trong đó, yếu tố nguồn năng lượng cung cấp cho xe điện và vấn đề xử lý pin thải là nút thắt cần được tháo gỡ.
Đối với thị trường, các chuyên gia cũng đề cập đến 5 giải pháp then chốt tác động đến tương lai của loại hình ô tô thuần điện.
Đầu tiên, các hãng xe cần sớm giải quyết những e ngại của người tiêu dùng về ô tô điện. Trong đó, các thương hiệu nên tích cực hành động để giải quyết mối lo ngại của người dùng về khả năng tiếp cận hệ thống trạm sạc và mức độ an toàn của pin xe điện. Để tăng sự hào hứng và giúp người dùng có nhiều trải nghiệm thực tế với xe điện, các thương hiệu nên tích cực tổ chức các sự kiện lái thử để giúp người dùng hiểu hơn về kỹ thuật cũng như những ưu điểm nổi trội của xe điện khi vận hành thực tế.
Về sản phẩm, các thương hiệu xe điện cần hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là Gen Z và Millennials, bao gồm các yếu tố như giá cả, thiết kế và tiện ích.
Bà Trần Kim Hoàng Yến, quản lý khối xe và công nghệ tại Vero Việt Nam, cho rằng "hiểu biết về người tiêu dùng Việt Nam là chìa khoá thành công cho các thương hiệu khi gia nhập cuộc đua xe điện. Khi thị trường xe điện tại Việt Nam đang ngày phát triển và cạnh tranh hơn, các thương hiệu xe trong và ngoài nước đều cần phải thấu hiểu sâu sắc về sở thích, giá trị và những vấn đề cụ thể của người tiêu dùng Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả và thúc đẩy tương lai di chuyển bền vững".
Yếu tố thứ ba là các thông điệp cần thể hiện một cách chân thực, không "nói quá". Trong quá trình truyền tải thông điệp về mục tiêu bền vững, các thương hiệu xe điện cần thể hiện sự cam kết chân thành đối với các hoạt động tích cực liên quan đến môi trường. Quá trình này cần được thực hiện khéo léo, tránh gây "bội thực" cho người tiêu dùng bằng các tuyên bố "quá lố" về tính bền vững vì người dùng Việt vẫn còn nhiều hoài nghi về khía cạnh này. Thay vào đó, thương hiệu nên thể hiện kết quả về các hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững mà thương hiệu đã thực hiện một cách rõ ràng và cụ thể, chứng minh cam kết đối các vấn đề môi trường là trách nhiệm của thương hiệu chứ không không chỉ là những chiêu trò PR đơn thuần. Điều này sẽ giúp các thương tạo dựng niềm tin và uy tín lớn hơn.
Thứ tư, các nhà quản và các hãng xe cần khuyến khích giao thông xanh như một lối sống thay vì chỉ đơn thuần nêu lên những ưu điểm của loại hình phương tiện. Để thực hiện điều này, các thương hiệu cần phải xây dựng một chiếc lược đưa xe điện trở nên quen thuộc với bối cảnh sử dụng hàng này cũng như phù hợp với văn hoá và lối sống của người Việt. Thương hiệu có thể sử dụng các cách thức quảng cáo các mẫu xe điện tại những nơi dễ nhận thấy khi người dùng di chuyển trong thành phố, du lịch cùng gia đình hay vui chơi giải trí. Thay vì chỉ tập trung về những vấn đề vĩ mô như biến đổi khí hậu, họ có thể nhấn mạnh xe điện giúp không khí ở các khu vực đô thị sạch hơn, dễ thở hơn – một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Việt Nam hàng ngày.
Yếu tố cuối cùng là sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như nhà sản xuất xe điện, các hãng dịch vụ vận chuyển, dịch vụ gọi xe hay cộng đồng doanh nghiệp lữ hành… Có thể thấy VinFast đang là thương hiệu xe điện làm rất tốt điều này khi bắt tay với Be Group để sử dụng xe điện vào dịch vụ gọi xe. Đặc biệt, ông chủ Vingroup (tập đoàn mẹ của VinFast) cũng mở hãng taxi công nghệ GSM với đội hình hàng chục nghìn chiếc ô tô và xe máy điện. Mô hình này cần được nhân rộng hơn để tạo nên những tác động tích cực.