Nuoc thai khong duoc xu ly, nguoi dan thanh pho Quang Ngai keu cuu hinh anh 1Đoạn kênh dẫn nước thải từ hồ điều hòa Bàu Cả (phường Lê Hồng Phong) ra sông Trà Khúc. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nhiều năm nay, người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) bức xúc vì tình trạng ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt nhưng địa phương vẫn chưa có cách giải quyết.

Hồ điều hòa Bàu Cả, phường Lê Hồng Phong, rộng khoảng 1ha, là nơi chứa nước thải sinh hoạt của thành phố Quảng Ngãi.

Do nhiều năm không được nạo vét, hồ bị bồi lắng, làm hạn chế khả năng chứa nước, ảnh hưởng đến việc thoát nước.

[Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới đạt khoảng 15%]

Nước thải từ hồ này chảy ra tuyến kênh lộ thiên có chiều dài khoảng 500m, chạy dọc qua khu dân cư trước khi xả thẳng ra sông Trà Khúc.

Nước thải trong hồ, trong kênh có màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến không khí nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tương tự, hàng chục hộ dân tại đội 3, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu cũng phải sống chung với mùi hôi thối và nguy cơ bệnh tật vì kênh ô nhiễm gần 10 năm nay.

Theo người dân, tình trạng ô nhiễm ở đoạn kênh này ngày càng nghiêm trọng.

Nuoc thai khong duoc xu ly, nguoi dan thanh pho Quang Ngai keu cuu hinh anh 2Rác thải, nước thải đen ngòm tại một đoạn kênh thuộc hệ thống thoát nước bề mặt dọc theo Quốc lộ 24B (đoạn qua xã Tịnh Châu, Quảng Ngãi) do kênh bị vùi lấp. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Đoạn kênh này thuộc hệ thống thoát nước bề mặt dọc theo Quốc lộ 24B (đoạn qua xã Tịnh Châu).

Nhiều năm nay, đoạn kênh này bị bồi lấp không thoát nước được và trở thành kênh chứa nước thải của chợ Châu Sa (xã Tịnh Châu), các lò mổ gia súc và nước thải sinh hoạt của một số hộ dân trong khu vực.

Theo chính quyền xã Tịnh Châu, do đoạn kênh này nằm ở ranh giới ba xã là Tịnh An, Tịnh Châu và Tịnh Long (thành phố Quảng Ngãi), chính quyền địa phương rất khó quản lý.

Nguồn kinh phí để nạo vét kênh vượt quá khả năng của địa phương.

Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Châu, cho biết xã đã kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế nước tồn đọng, giảm ô nhiễm, mùi hôi.

Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm đầu tư xây mới lại chợ Châu Sa vì đến nay ngoài tình trạng xuống cấp, chợ không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải dẫn đến tình trạng nước thải chảy trực tiếp ra kênh gây ô nhiễm.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh tình trạng ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt tại hai hồ điều hòa và nhiều tuyến kênh trên địa bàn.

Nuoc thai khong duoc xu ly, nguoi dan thanh pho Quang Ngai keu cuu hinh anh 3Nước thải sinh hoạt chảy trực tiếp ra kênh rồi chảy ra sông khi chưa được xử lý. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống nước thải sinh hoạt của thành phố được thu gom chung cùng hệ thống thoát nước bề mặt rồi đổ ra các hồ điều hòa, các kênh mương dẫn nước, nhiều ngày tích tụ lại nên gây mùi hôi thối.

Về hướng khắc phục, trong năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ xử lý tình trạng ô nhiễm tại hồ điều hòa Quảng Trường (phường Nghĩa Chánh). Theo đó, sẽ tách riêng hệ thống nước thải sinh hoạt và nước bề mặt, không cho hệ thống nước thải đi vào hồ điều hòa này, hồ chỉ thu gom hệ thống nước bề mặt để điều hòa nước, không khí.

Với hồ điều hòa Bàu Cả (phường Lê Hồng Phong), việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sẽ khó khăn hơn, bởi đây là "cái túi" chứa nước thải của thành phố trước khi đổ ra sông Trà Khúc.

Do đó, trước mắt, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng nạo vét bùn thải, dùng hóa chất xử lý nước tù đọng nhằm hạn chế mùi hôi thối.

“ Đối với các tuyến kênh hở, Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi sẽ xem xét, cân nhắc để ngầm hóa những tuyến kênh tại các khu dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, một số tuyến kênh sẽ không thể ngầm hóa, bởi nếu ngầm hóa hết sẽ làm cho tốc độ thoát nước chậm lại, dẫn đến tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lũ,” ông Trà Thanh Danh nhấn mạnh./.

Đinh Hương (TTXVN/Vietnam+)