Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, mực nước sông Hồng (sông Thao) ghi nhận lúc 21h ngày 8/9 là 33m (trên báo động 3 là 1m).
Hiện tại, trên địa bàn phường Hồng Hà, toàn bộ đường Thanh Niên và đường Trần Hưng Đạo đã ngập sâu từ 1-2m, các phương tiện không thể di chuyển.
Tại khu vực đường Thanh Niên, phần lớn các hộ dân trên tuyến và các đường nhánh nước đã ngập vào nhà từ 0,5-1m. Để đảm bảo an toàn, khu vực này đã bị cắt điện từ 21h.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng hơn 1000 nhà dân bị ngập úng tại phường Hồng Hà. Hiện trên địa bàn thành phố Yên Bái mưa rất to. Công tác ứng trực, cứu hộ vẫn đang được khẩn trương thực hiện.
Dự báo trong đêm nay khả năng mực nước sẽ lên thêm ít nhất 1m nữa, ở mức 34m, trên báo động 3 là 2m, mức cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ toàn bộ các hộ dọc đường Thanh Niên, các đường nhánh, khu vực trung tổ dân phố Hồng Yên, Hồng Nam sẽ ngập sâu trong nước rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Yên Bái cho biết trong kế hoạch của thành phố xác định đây là một điểm ngập lụt thường xuyên mỗi khi có mưa lớn. Do đó, thành phố đã có phương án và lực lượng sẵn sàng hỗ trợ cần thiết.
Từ đầu giờ chiều đến giờ, thành phố đã hỗ trợ người dân di chuyển tài sản; đưa những trường hợp trẻ em, những người lớn tuổi, sống một mình, không có nơi nương tựa đến những nơi tạm trú an toàn.
Hiện tại, thành phố huy động khoảng gần 1.000 người gồm các lực lượng bộ đội, công an, dân quân dự bị… cùng hơn 10 ôtô, tàu xuồng và các trang thiết bị khác sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Những ngày vừa qua, ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Yên Bái không có thiệt hại về người, một số ngôi nhà ở bị tốc mái, hỏng mái; không có thiệt hại về đường giao thông và các công trình hạ tầng khác; một cột điện hạ thế tại xã Tân Thịnh bị đổ, gãy; sáu cây xanh bị đổ tại các xã, phường. 13,63ha lúa, ngô bị thiệt hại.
Trước đó, thành phố Yên Bái đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, phường quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.”
Đối với các xã, phường triển khai rà soát trên toàn địa bàn các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời di chuyển người dân đến nơi an toàn. Tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy; cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, lún sụt.
Tại các khu vực trọng điểm thiên tai, các xã, phường đã thành lập Sở Chỉ huy gần hiện trường để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra./.