Nui lua tiep tuc phun trao gan thu do Reykjavik cua Iceland hinh anh 1Các vết nứt khiến dung nham trào ra mọi hướng. (Nguồn: Reuters)

Cơ quan Khí tượng Iceland cho biết ngày 10/7, một ngọn núi lửa đã phun trào gần thủ đô Reykjavik của nước này.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 2 năm qua xảy ra hiện tượng tương tự trong khu vực này.

Theo thông báo của Cơ quan Khí tượng Icelanddung nham núi lửa phun trào vào lúc16h40 giờ GMT (23h40 đêm theo giờ Việt Nam) tại một vùng trũng nhỏ phía Bắc núi Litli Hrutur.

Giáo sư Thorvaldur Thordarson tại Đại học Iceland cho biết có 3 vết nứt khiến dung nham trào ra mọi hướng. Tổng chiều dài của các vết nứt này từ 200-300m.

[Núi lửa ở Indonesia phun trào, phóng tro nóng xa tới 2km]

Theo Giáo sư Thordarson, đây là một vụ phun trào với cường độ nhẹ, do đó không gây ra các mối đe dọa trên diện rộng.

Tuy nhiên, ông cảnh báo đợt phun trào có thể kéo dài từ vài ngày đến hơn nửa năm như năm 2021, hoặc thậm chí lâu hơn, từ đó có thể đe dọa cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh đám khói lớn bốc lên từ mặt đất cũng như một dòng dung nham lớn tràn ra tại địa điểm cách thủ đô Reykjavik khoảng 30km.

Nơi ghi nhận vụ phun trào mới nhất chỉ cách địa điểm xảy ra 2 lần phun trào trong 2 năm qua vài km. Đợt dung nham phun trào tại thung lũng Geldingadalur vào ngày 19/3/2021 kéo dài 6 tháng.

Đợt phun trào tiếp theo xảy ra ngày 3/8 năm ngoái tại thung lũng Meradalir và kéo dài 3 tuần.

Trước đợt phun trào năm 2021, núi lửa đã "ngủ yên" trong 8 thế kỷ, song các nhà nghiên cứu cho rằng chu kỳ gia tăng hoạt động mới này có thể kéo dài vài năm.

Tuần trước, hàng nghìn trận động đất nhỏ đã được ghi nhận tại khu vực trên, báo hiệu magma dưới mặt đất đang dịch chuyển và sắp xảy ra một vụ phun trào.

Giới chức trách Iceland đã khuyến cáo người dân không nên đến khu vực này trước khi cơ quan chức năng đánh giá tình hình do đây là nơi có địa hình hiểm trở, không có tuyến kết nối giao thông.

Iceland nằm giữa Mid-Atlantic Ridge, vết nứt dưới đáy đại dương ngăn cách các mảng kiến tạo Á-Âu và Bắc Mỹ.

Quốc đảo ở Bắc Đại Tây Dương này hiện có 33 hệ thống núi lửa được coi là đang hoạt động và đây là hệ thống núi lửa lớn nhất tại châu Âu. Trung bình các vụ phun trào xảy ra 5 năm một lần.

Vào tháng 4/2010, khoảng 100.000 chuyến bay đã bị hủy bỏ, khiến hơn 10 triệu du khách mắc kẹt sau vụ núi lửa Eyjafjallajokull phun trào dữ dội./. 

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)