Nông thôn mới trong kỷ nguyên vươn mình: Phải hiện đại, xanh và đáng sống

06:23 - 20/06/2025

Trong kỷ nguyên vươn mình, để thay đổi diện mạo nông thôn, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; hướng đến một nông thôn hiện đại, xanh, đáng sống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng nông thôn mới cần phải hiện đại, xanh và đáng sống. (Ảnh: Hoài Nam: Vietnam+)
Xây dựng nông thôn mới cần phải hiện đại, xanh và đáng sống. (Ảnh: Hoài Nam: Vietnam+)

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 15 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam một cách sâu rộng. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên vươn mình, hợp nhất tỉnh, cách tiếp cận cần phải hiện đại, linh hoạt hơn để thích ứng với những biến động mới của kinh tế-xã hội và biến đổi khí hậu.

Trong đó, việc tích hợp Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững, phân kỳ chiến lược rõ ràng, phát huy vai trò chủ thể của người dân, và tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương,… sẽ là những “chìa khóa” quan trọng. Đây cũng là cơ hội để giúp chương trình bước sang giai đoạn phát triển cao hơn, hướng đến một nông thôn hiện đại, xanh, đáng sống và đậm đà bản sắc dân tộc.

Gộp chương trình nông thôn mới và giảm nghèo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, cho hay trong thời gian tới các địa phương sẽ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục triển khai riêng rẽ hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh mới, cần phải điều chỉnh phù hợp.

 

Vì thế, giai đoạn 2026-2035, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất gộp 2 chương trình trên thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, nội dung và tiêu chí nông thôn mới của chương trình được xây dựng bao trùm về hạ tầng hiện đại, kinh tế đa dạng, môi trường bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo ông Nam, nội dung của chương trình hiện nay rất rộng mở, hoàn toàn có thể tích hợp hiệu quả các nội dung liên quan đến giảm nghèo bền vững. Đây cũng là cách tiếp cận khoa học, hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển bao trùm trong giai đoạn mới, không để ai bị bỏ lại phía sau, đúng theo tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, ông Nam đề xuất cần hoàn thiện quy hoạch phát triển nông thôn phù hợp với quy hoạch tỉnh và quốc gia, nhằm phát huy lợi thế vùng, miền, nhất là sau sắp xếp các đơn vị hành chính.

Ông Nam cũng lưu ý sau khi sắp xếp xong các đơn vị hành chính cấp xã, sẽ có sự thay đổi về cơ cấu, phân bố địa lý hành chính và điều hành hệ thống, quy mô và không gian phát triển lớn, nên cần có sự điều chỉnh đầu tư để phù hợp với lợi thế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.

Song song với đó, ông Nam cũng đề xuất rà soát bổ sung quy hoạch các khu chức năng đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông thôn như công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các hình thức kinh doanh mới như các ngành nghề dịch vụ logistic, phát triển du lịch nông thôn, đặc sản OCOP, để phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, miền.

Theo đó, các vùng xã có lợi thế sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, tập trung thì cần tiếp tục hoàn thiện bổ sung quy hoạch ổn định diện tích đất canh tác nông nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất; nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hiện đại, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình kĩ thuật.

Cùng với đó, các địa phương cần tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hình thành các vùng nguyên liệu và liên kết theo chuỗi giá trị; có chính sách cụ thể về tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ để khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

vnp-tieu-chi-nong-thon-moi.jpg
Lấy người dân sống ở nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển. (Ảnh: NA/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, chương trình cần xác định phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn. Lấy người dân sống ở nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội, các cơ hội; xây dựng các chính sách phúc lợi xã hội công bằng (nhà ở và nơi định cư, bảo hiểm chữa bệnh, chế độ hưu,…) cho người dân ở nông thôn.

Tăng phân cấp, trao quyền nhiều hơn

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh: “Để quản lý hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia cùng triển khai trên địa bàn nông thôn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của hệ thống chính trị ở cơ sở và huy động các nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả - theo chúng tôi cần tiếp tục phân cấp mạnh công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện chương trình xuống cấp tỉnh và xã.”

Theo đó, các cơ quan Trung ương chỉ hướng dẫn bộ khung chương trình mục tiêu quốc gia và giám sát kết quả thực hiện chương trình ở các địa phương.

Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cũng nêu quan điểm để chương trình đạt hiệu quả cao, các địa phương cần phải được tăng cường phân cấp, trao quyền nhiều hơn trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chí phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của từng địa phương.

“Việc này không chỉ giúp các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện mà còn tạo điều kiện cho địa phương đề xuất, thiết kế các tiêu chí sát với thực tế, tránh áp dụng máy móc, cứng nhắc,” ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, trong giai đoạn mới, cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện bài bản để xây dựng đội ngũ cán bộ nông thôn có năng lực quản lý tốt, đội ngũ doanh nhân, kỹ sư, chuyên gia trẻ sẵn sàng gắn bó, làm việc lâu dài ở nông thôn.

“Việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, phát triển nghề mới tại chỗ là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phát triển nông thôn,” ông Sơn chia sẻ thêm.

Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035, để phấn đấu đạt những mục tiêu thiết thực và khả thi, không chỉ về hạ tầng và thu nhập mà còn hướng tới một nông thôn hiện đại, xanh, đáng sống./.

Nguồn: Nông thôn mới Việt Nam: Hướng tới hiện đại, xanh và đáng sống | Vietnam+ (VietnamPlus)