Lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá hàng loạt đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy, nhiều đối tượng đã phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình.
Song vì lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng vẫn bất chấp. Nhiều tổ chức ma túy quốc tế đang tìm mọi cách vươn “vòi bạch tuộc” tới Việt Nam.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề: "Giải pháp mạnh ngăn chặn ma túy xâm nhập vào Việt Nam" nhằm phản ánh thực trạng buôn bán ma túy trái phép từ nước ngoài và những giải pháp quyết liệt trong phòng chống ma túy.
Bài 1: Nỗi lo “vòi bạch tuộc” xâm nhập học đường
Hàng loạt vụ việc liên quan đến các trường hợp thanh, thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo âu.
Nhất là gần đây, lực lượng công an liên tiếp phát hiện các xưởng sản xuất "nước vui" và thuốc lá điện tử, thu giữ hàng tạ ma túy thành phẩm cùng số nguyên liệu có thể sản xuất được cả tấn ma túy. Các đối tượng khai thị phần mà chúng nhắm tới là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Những chiêu thức tinh vi
Ngày 14/9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng các đơn vị bắt quả tang 4 đối tượng đang có hành vi pha trộn, dùng xilanh tiêm tinh dầu chứa ma túy vào thuốc lá điện tử "ampire chill" tại kho ở xã Phương Nhị, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật gồm hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy; 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy; 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp; gần 300 thùng carton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử.
Lực lượng chức năng còn thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu vị được các đối tượng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường.
Tại cơ quan điều tra, Lê Anh Thơ (28 tuổi, đối tượng cầm đầu) khai đã lên mạng tìm kiếm công thức, sau đó liên hệ với các đối tượng ở Trung Quốc đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển rồi thanh toán bằng đồng Bitcoin.
Sau đó, Thơ cùng các đối tượng pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi lắp ráp, chạy máy để thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy. Tẩm ướp ma túy xong, các đối tượng dán nhãn thuốc lá điện tử ampire chill và thuốc lá điếu Dominix được Thơ đặt làm riêng, có cả chế độ bảo hành rồi đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói là các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy nhằm đánh lừa người sử dụng.
Vào giữa năm 2023, Cục C04 cũng phát hiện một xưởng pha chế, đóng gói "nước vui" quy mô lớn, đồng loạt bắt giữ 17 đối tượng, thu giữ 217kg ma túy tổng hợp các loại, trong đó có gần 9.000 gói ma túy thành phẩm nhãn Chali, Deadpool, Foryou, Coffee, Cristy fruit, 208kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy.
Mở rộng vụ án, C04 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Bùi Trung Nguyên (18 tuổi), thu 3kg ma túy tổng hợp cùng băng chuyền, bột, phụ gia, bao bì dùng sản xuất, đóng gói ma túy.
Đối tượng cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh). Hoài khai, thời gian làm nghề DJ ở nước ngoài đã học được công thức pha chế ma túy "nước vui" rồi về nước, tuyển người bắt tay vào sản xuất hàng cấm.
Thủ đoạn của nhóm này là mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa ma túy, các loại phụ gia, bao bì đóng gói về Việt Nam tập kết tại kho ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tránh bị phát hiện, ổ nhóm này thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750kg ma túy "nước vui."
Nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao
Hai vụ việc nói trên liên quan đến các trường hợp thanh, thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện thời gian qua cũng cho thấy những âu lo của xã hội về nguy cơ ma tuý xâm nhập học đường.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta đang ngày càng có xu hướng diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng là tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục… , trong đó, lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn.
Đại úy Đinh Văn Cường, Trưởng Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) cho biết tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo nên tìm mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua nhiều con đường khác nhau hoặc từ chính các gia đình học sinh có điều kiện để ma túy có cơ hội xâm nhập.
Gần đây, còn có tình trạng mua, bán ma túy dạng thuốc lá điện tử theo hình thức bán đa cấp, lợi dụng chính học sinh, sinh viên có sử dụng ma túy là người bán hàng. Hình thức này rất nguy hiểm vì có thể phát tán nhanh, khiến nhiều người trẻ tuổi trở thành nạn nhân.
“Ngoài ra, các vụ việc liên quan sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy do Công an phường bắt giữ, các đối tượng có độ tuổi trẻ hóa; 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, trong đó có nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng, toàn xã hội, từ gia đình đến nhà trường cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy học đường, bắt đầu từ cơ sở," đại úy Đinh Văn Cường nhận định.
Lo ngại về sự nguy hiểm của các tiền chất ma túy mới, các chất hướng thần có tác dụng tương tự dạng bào chế ma túy như “nước vui,” “bóng cười,” “bùa lưỡi”… đối với học sinh, đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cũng cho biết các chất mà các đối tượng quảng cáo chỉ là chất kích thích, không phải chất ma túy thực tế nó vẫn rất có hại và tác động mạnh vào hệ thần kinh trung ương cũng như hệ thống tim mạch.
Các đối tượng thường pha trộn vào các đồ ăn, nước uống thông dụng như thuốc lá điện tử, đồ ăn vặt, trà sữa... rất khó phát hiện bằng mắt thường. Các cha mẹ, phụ huynh, nhà trường, các bạn trẻ cần phải cảnh giác.
Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, hiện cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70-75% người trong độ tuổi 17-35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Có thể thấy học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới nên đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.
Người sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần “ngáo đá,” mất khả năng kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn, với nhiều vụ án gây dư luận xấu trong nhân dân.
Trong năm 2023, có gần 1.500 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu loạn thần “ngáo đá,” gây ra 30 vụ phạm pháp hình sự./.
Nguồn: Nỗi lo “vòi bạch tuộc” ma túy xâm nhập học đường | Vietnam+ (VietnamPlus)