Noi cac Nhat Ban duyet chi 17 ty USD cho cac bien phap chong lam phat hinh anh 1Bên trong một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong phiên họp Nội các ngày 28/3, Chính phủ Nhật Bản đã duyệt chi 2.222,6 tỷ yen (khoảng 17 tỷ USD) từ quỹ dự phòng trong ngân sách tài khóa 2022 để thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của lạm phát tới các hộ gia đình ở nước này.

Theo dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 155,1 tỷ yen để trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các trẻ nhỏ trong các gia đình có thu nhập thấp và các gia đình đơn thân với số tiền 50.000 yen/trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ khẩn cấp thêm 736,5 tỷ yen cho các chính quyền tỉnh để thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 1.200 tỷ yen cho các chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chống lạm phát phù hợp với điều kiện của địa bàn, trong đó 500 tỷ yen sẽ được phân bổ cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, và 700 tỷ yen giúp các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí điện và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho những hộ tiêu thụ lớn.

[Quốc hội Nhật Bản ban hành ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2023]

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 96,5 tỷ yen cho các biện pháp nhằm giúp các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đối phó với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, và 31,1 tỷ yen để kiềm chế giá lúa mỳ nhập khẩu.

Kể từ đầu năm ngoái, lạm phát ở Nhật Bản đã liên tục tăng. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), trong tháng Một vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước, cao nhất kể từ tháng 9/1981.

 

Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản liên tục ở trên mức cao nhất trong 40 năm và là tháng thứ 17 liên tiếp chỉ số này tăng.

Tình trạng giá cả hàng hóa và năng lượng leo thang đang tác động tiêu cực tới sự hồi phục của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân nước này.

Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn cho rằng lạm phát ở Nhật Bản hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy và sẽ không kéo dài, do đó BoJ vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định và bền vững./.

Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)