Nỗ lực bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam

09:11 - 18/07/2024

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa ra mắt phim ngắn có tên: "Chim trời kêu cứu" nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã.

Những chú chim Én xấu số sập bẫy lưới, bị thợ săn bẫy nhốt trong những lồng sắt, chờ thương lái đến mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Xuân Tiến/ TTXVN)
Những chú chim Én xấu số sập bẫy lưới, bị thợ săn bẫy nhốt trong những lồng sắt, chờ thương lái đến mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Xuân Tiến/ TTXVN)

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ chim hoang dã phong phú nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép đã và đang đe dọa đến sự tồn tại của hàng trăm loài chim hoang dã và chim di cư tại nước ta.

Theo ước tính của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, mỗi năm có hàng triệu cá thể chim bị săn bắt và buôn bán để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt để làm thức ăn ngày một cao.

Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa ra mắt phim ngắn có tên: "Chim trời kêu cứu" nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã.

Phim truyền thông "Chim trời kêu cứu" phơi bày những khoảnh khắc ám ảnh và tàn nhẫn về vấn nạn tận diệt chim trời. Đây chỉ là một lát cắt nhỏ của thực trạng tận diệt chim trời đầy nhức nhối đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Hệ sinh thái đa dạng của Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và nhiều vùng duyên hải khác tại Việt Nam đã tạo nên những “thánh địa” cho các loài chim hoang dã và di cư.

Đáng tiếc, những khu vực trú ẩn này cũng đã trở thành bãi bẫy chim trời lý tưởng của nhiều thợ săn.

Tại một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình và Thừa Thiên-Huế, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi như dùng chim mồi, loa phát âm thanh bắt chước tiếng chim để thu hút chim trời và sau đó dùng lưới, bẫy hoặc súng để “thu hoạch.”

Tình trạng săn bắt các loài chim bản địa và chim cư di cư đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Một số loài chim di cư như cò, vạc và các loài chim nước có kích thước lớn đã trở thành mục tiêu bị săn bắt, chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của một bộ phận người dân.

Một khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tại 125 nhà hàng ở Hà Nội từ năm 2020 đến tháng 6/2024 đã cho thấy 42% số cơ sở có quảng cáo bán các món ăn chế biến từ chim hoang dã trên thực đơn.

Tương tự như vậy, các món ăn từ chim hoang dã cũng xuất hiện trên thực đơn của 24% trên tổng số 124 nhà hàng được khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng giai đoạn.

Chỉ riêng trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận 1.006 vụ vi phạm trên internet với 163.185 cá thể chim bị quảng cáo và buôn bán trái phép. Con số vi phạm thực tế về chim trên Internet còn lớn hơn nhiều.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh: "Không loài chim nào có thể sống sót với tốc độ săn bắt và giết hại nhanh như vậy. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đánh giá cao nỗ lực bảo vệ chim hoang dã và xử lý vi phạm về chim hoang dã của các cơ quan chức năng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các tỉnh, thành cũng cần xây dựng những chiến lược hiệu quả hơn để xử lý các vi phạm về chim, đặc biệt là tình trạng buôn bán chim trái phép tại nhà hàng, chợ truyền thống hay trên Internet. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tin rằng việc áp dụng chặt chẽ các quy định của pháp luật và xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm sẽ góp phần răn đe, ngăn chặn hoạt động này."

Bà Bùi Thị Hà chia sẻ thêm bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nhận thức được là mỗi khi đặt một món ăn từ chim hoặc mua chim được rao bán trên mạng, ở chợ là đang góp phần khiến bầu trời dần vắng bóng những cánh chim hoang dã.

Thông qua những nỗ lực, sự chung tay của cộng đồng và các cơ quan chức năng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tin rằng thành công sẽ đến trong công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư trước những mối đe dọa của nạn săn bắt và buôn bán trái phép ở nước ta. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên kêu gọi người dân thông báo các vi phạm liên quan đến chim và động vật hoang dã tới Đường dây nóng miễn phí 1800­1522.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được thành lập vào năm 2000, là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Đây là đơn vị đi đầu trong nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam bằng cách áp dụng các chiến lược sáng tạo nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, thúc đẩy công tác thực thi, trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu và ngăn chặn vi phạm về động vật hoang dã.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cam kết luôn nhất quán với sứ mệnh của mình là đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các loài động vật hoang dã, cả ở Việt Nam và trên toàn cầu./.

Nguồn: Nỗ lực bảo tồn các loài chim hoang dã tại Việt Nam | Vietnam+ (VietnamPlus)