Huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) được thành lập ngày 1/10/2009 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ.
Là vùng đất khô hạn nhất cả nước, trong những năm đầu thành lập, tuy gặp khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị ở địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh Thuận Nam đã phát triển đi lên một cách mạnh mẽ, kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Hiện nay, Thuận Nam đang nỗ lực bứt tốc phát triển, biến tham vọng thành hiện thực để sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Những dấu ấn tích cực
Dù mới trải qua chặng đường 15 năm thành lập và phát triển, xuất phát điểm thấp, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu…, song với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Thuận Nam đã từng bước vươn mình phát triển, sánh ngang với các địa phương khác trong tỉnh.
Huyện đã xác định đúng hướng các ngành, lĩnh vực trọng tâm để thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế sẵn có; qua đó tạo động lực phát triển hiệu quả, vững chắc.
Ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam cho biết sau 15 năm nỗ lực, kinh tế của huyện có sự thay đổi mạnh mẽ, một số lĩnh vực phát triển khá và tiếp tục bứt phá. Huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức cao trên 10%.
Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, huyện có bước đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư. Cụ thể, tổng đầu tư toàn xã hội hằng năm đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 15,2 lần so với năm 2010 (395 tỷ đồng). Thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, từ 8,26 tỷ năm 2009 lên 85,3 tỷ đồng vào năm 2023.
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch nhanh và đúng hướng, từ một huyện thuần nông, chuyển dịch mạnh sang công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2024 ước đạt 5.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,37%, tăng trên 10 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân 18%/năm.
Các ngành thương mại-dịch vụ cũng có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 13,32% cơ cấu kinh tế của huyện. Du lịch-dịch vụ đã có bước phát triển rõ nét, thu hút và đang triển khai nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao như Royal City, Cap Padaran Mũi Dinh.
Khai thác thủy sản cũng là thế mạnh của huyện với nhiều tàu công suất lớn luôn vươn khơi bám biển. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, Cảng cá Cà Ná đang được chuyển đổi thành cảng loại 1, góp phần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được triển khai, đạt kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn huyện được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối từ cảng tổng hợp Cà Ná với Quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc-Nam, đường Văn Lâm-Sơn Hải, Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo được tập trung khai thác và phát huy hiệu quả, đưa Thuận Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh.Diện mạo nông thôn mới của huyện cũng có nhiều khởi sắc.
Đến nay, Thuận Nam đã có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân các xã đạt 18 tiêu chí. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến trên nhiều mặt. Số hộ nghèo trong huyện giảm bình quân 1,6 - 2%/năm, đến nay còn 5,6% theo chuẩn mới.
Biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển
Nếu nói Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất cả nước thì huyện Thuận Nam lại là địa phương khô hạn nhất của tỉnh. Tuy gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam luôn nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám tạo đột phá của Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Nam đã phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống chính trị, từng bước đưa Thuận Nam "cất cánh bay."
Ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam cho biết đặc trưng thiếu mưa, thừa nắng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, song đó lại là lợi thế lớn để huyện tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực tạo giá trị kinh tế cao như năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch biển, kinh tế biển; tổ hợp hóa chất xanh; phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Huyện Thuận Nam có tuyến trục giao thông huyết mạch đi qua như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, dải đường ven biển và nhất là tuyến giao thông nối Quốc lộ 1A ra Cảng tổng hợp Cà Ná.
Các tuyến giao thông này đã và đang tạo thuận lợi rất lớn cho huyện thu hút đầu tư, phát triển các nhóm ngành, lĩnh vực mà huyện có tiềm năng và lợi thế như logistics, chế biến, chế tạo, điện khí LNG.
Hiện nay, Thuận Nam có 20 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.512 MW; đến năm 2030 sẽ phát triển lên trên 6.000 MW.
Khu công nghiệp Phước Nam với diện tích 370ha đang đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Cà Ná đang hình thành với diện tích trên 827ha. Huyện tập trung phát triển 10 cụm công nghiệp với diện tích đến năm 2025 là trên 460ha, phấn đấu đến năm 2030 là trên 516ha.
Bên cạnh đó, các dự án mang tính động lực như Cảng biển tổng hợp Cà Ná với quy mô tiếp nhận tàu lên đến 300.000 tấn, trong đó đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 quy mô 100.000 tấn gắn với quy hoạch cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics; Trung tâm điện khí LNG Cà Ná giai đoạn I công suất 1.500 MW; tổng kho xăng dầu… cũng đang được đầu tư phát triển.
Dải ven biển của huyện nằm trong quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh đến năm 2035 với 9/12 phân khu đã được xác định.
Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch, đô thị. Đặc biệt, thời gian qua, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là điều kiện để huyện Thuận Nam xác định trụ cột phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, cảng biển, trung tâm logistics.
Cùng với lợi thế về giao thông, huyện đẩy mạnh phát triển trung tâm du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... theo định hướng quy hoạch tỉnh và Đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với lợi thế huyện cửa ngõ phía Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, Thuận Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với việc sớm đưa vào hoạt động các tuyến giao thông cùng với các dự án trọng điểm phía Nam được đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất thủ tục triển khai như dự án Cảng quốc tế Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, Trung tâm điện khí LNG, Cảng cạn Cà Ná, tổ hợp hóa chất xanh và các dự án quy mô lớn về công nghiệp, du lịch, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao... sẽ tạo bước đột phá cho phát triển của huyện.
Ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam, cho biết để xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Huyện làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là kinh tế biển, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh triển khai các dự án động lực trên địa bàn huyện.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam bày tỏ để sớm hiện thực hóa chủ trương phát triển, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của địa phương, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhất là sớm có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục để sớm triển khai các dự án động lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với tiềm năng, lợi thế và tham vọng trên, huyện Thuận Nam sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, bền vững./.