Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại tỉnh Ninh Thuận vừa qua nhận được thông tin của giáo viên và phụ huynh học sinh phản ánh về nhiều “khuất tất” liên quan đến hoạt động thu chi, giảng dạy tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc) và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Theo đơn phản ánh của giáo viên D.N.C tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng, việc phát kinh phí hỗ trợ cho học sinh trong học kỳ II năm học 2023-2024 theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ tại trường này có nhiều khuất tất.
Cụ thể, mặc dù trên giấy tờ phụ huynh ký nhận số tiền 750.000 đồng (học sinh vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn được nhận mức hỗ trợ 150.000 đồng/em/tháng), nhưng thực tế chỉ nhận được 700.000 đồng.
Số tiền chênh lệch 50.000 đồng/học sinh được nhà trường thu lại với lý do trích 30.000 đồng chi cho hoạt động giáo dục, còn 20.000 đồng để photo đề kiểm tra cho năm học sau.
Vị giáo viên nêu trong đơn: “Điều tôi muốn thay giáo viên và phụ huynh phản ánh ở đây là chưa có kế hoạch năm học, chưa có văn bản hướng dẫn thu chi cho năm học 2024-2025 mà hiệu trưởng đã tự ý thu tiền từ nguồn hỗ trợ chi phí học tập cho các cháu là hoàn toàn không đúng quy định. Mặt khác, chỉ đạo cho nhân viên trực tiếp thu nhưng lại không thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường hay Ban đại diện cha mẹ học sinh. Với tổng số học sinh toàn trường năm học 2023-2024 là trên 380 em thì số tiền lạm thu này nhập vào nguồn nào cũng không thông báo cho Hội đồng sư phạm trường biết.”
Giáo viên D.N.C phản ánh đối với những em đã nghỉ học, theo quy định các em học tháng nào thì chi trả tiền hỗ trợ tháng đó khi nguồn kinh phí chuyển về, thế nhưng học kỳ 2 năm học 2023-2024, nhà trường cũng không cấp phát cho các em (số tiền này không công khai có nhập về Kho bạc hay không).
Việc thu tiền photo giấy kiểm tra học sinh cấp tiểu học cao hơn gấp nhiều lần so với quy định chung, cuối năm không công khai số tiền phô tô đề kiểm tra và một số khoản thu chi ngoài ngân sách sách khác cũng không công khai cho Hội đồng sư phạm của trường cùng biết.
Ngoài ra, giáo viên này cũng phản ánh những “bất cập” về hoạt động giảng dạy môn Tin học cho học sinh tại điểm trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc.
Trong năm học 2023-2024, dù bảng phân công chuyên môn của nhà trường đã giao cho một cô giáo có chuyên môn trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Tin học cho hai lớp 3 và lớp 4, kèm theo thời khóa biểu cụ thể, nhưng cô giáo này không trực tiếp giảng dạy mà chỉ giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp ghép coi lớp giùm.
Thông tin với phóng viên TTXVN, ông N.T.P, phụ huynh của em M.T.T, học lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Kháng, cho biết vào tháng 5/2024, nhà trường thông báo cho các em học sinh được nhận 750.000 đồng tiền hỗ trợ và bảo các em ký vào giấy nhận, nhưng sau đó nhà trường trừ 50.000 đồng, nên trên thực tế chỉ nhận được 700.000 đồng mà giáo viên không nói rõ lý do, cũng không thông báo cho phụ huynh biết.
Tương tự, chị K.T.K phụ huynh của em K.T.C học lớp 4 tại điểm trường cơ sở Suối Le cho biết, con chị cũng gặp phải tình huống tương tự. Dù được thông báo ký nhận 750.000 đồng nhưng chị K.T.K chỉ nhận được 700.000 đồng.
Chị K cho hay: “Thầy cô nói trừ số tiền đó để lại cho nhà trường mà mình cũng không biết trừ cái gì, do mình không rành nên cũng không hỏi. Học kỳ I trường cũng trừ 50.000 đồng như vậy.”
Thêm vào đó, chị K cũng phản ánh con chị kết thúc học năm học, nghỉ Hè nhưng đến nay chị chưa nhận được sổ liên lạc thông báo tình hình học tập từ phía nhà trường.
Phóng viên TTXVN đã liên hệ với bà N.T.T, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng để có thông tin khách quan, đa chiều. Tuy nhiên, hiệu trưởng đã từ chối trả lời phỏng vấn với lý do nhà trường thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân huyện.
Bà N.T.T cho biết: "Nếu có thông tin gì, phóng viên nên liên hệ với huyện trước rồi sau đó hiệu trưởng nhà trường mới gặp trả lời phóng viên."
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, ông Hoàng Đắc Hiếu, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Bắc, cho biết những nội dung phóng viên tiếp nhận được liên quan đến tình hình thu chi, sổ liên lạc, giảng dạy môn Tin học tại các điểm trường của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng sẽ được đơn vị tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Bắc cho hay đối chiếu với các Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục, đơn vị sẽ kiểm tra lại việc nhà trường thu số tiền như phụ huynh phản ánh, bao gồm việc phụ huynh có đóng tự nguyện hay không và mục đích sử dụng số tiền này.
Về việc đánh giá kết quả học tập cuối năm và khen thưởng học sinh, nhà trường đã thông báo kết quả đến phụ huynh thể hiện bằng phiếu in có chữ ký của giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng, kèm theo dấu xác nhận.
Về vấn đề giảng dạy môn Tin học, ông Hoàng Đắc Hiếu cho biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã được triển khai từ lớp 3, 4 và năm nay tiếp tục được áp dụng cho lớp 5 trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc bổ sung biên chế giáo viên Tin học cho các trường, đặc biệt là ở bậc Tiểu học vẫn còn rất hạn chế. Toàn huyện hiện nay chỉ có hai giáo viên môn Tin học, điều này gây ra không ít khó khăn trong việc bố trí giáo viên có chuyên môn giảng dạy môn học này.
Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện và minh bạch của quá trình kiểm tra, người dân mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sớm chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ những vấn đề đã được phản ánh tại các điểm trường thuộc Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phước Kháng.
Phước Kháng là xã miền núi của huyện Thuận Bắc, đồng bào dân tộc Raglai sinh sống chiếm khoảng 97%. Toàn xã hiện có 653 hộ với 2.758 khẩu; trong đó có 358 hộ nghèo, 61 hộ cận nghèo.
Người dân chủ yếu làm nông, trồng trọt, một số ít hộ chăn nuôi bò, dê và cừu, đời sống còn nhiều khó khăn./.
Nguồn: Ninh Thuận: Làm rõ việc nhà trường "giữ lại" tiền hỗ trợ học sinh khó khăn | Vietnam+ (VietnamPlus)