Thủ đô Hà Nội bước vào thời điểm giao mùa, là khoảng thời gian thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của các vi khuẩn, virus... khiến cơ thể dễ mắc các loại bệnh về đường hô hấp.

Giao mùa - thời điểm dịch bệnh "hoành hành"

Đau họng, đau đầu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi... Đó là những triệu chứng mà hầu hết bệnh nhân khai báo khi đến khám tại Phòng Khám nội, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) trong những ngày đầu tháng Ba. Bác sỹ Phan Thị Hương cho biết mỗi ngày phòng khám tiếp nhận hàng chục bệnh nhân với những triệu chứng như trên, phần lớn đều được kết luận nguyên nhân là do cảm cúm giao mùa do thay đổi thời tiết đột ngột.

Cảm cúm giao mùa, hay dị ứng thời tiết là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể con người vào những thời gian chuyển mùa, do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa nóng và lạnh, hoặc độ ẩm làm thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, cảm cúm giao mùa cũng có thể lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh.

Nhung thuc pham 'vang' nang cao suc de khang khi thoi tiet giao mua hinh anh 1Thời điểm giao mùa khiến các mầm bệnh phát triển, xâm nhập cơ thể và gây ra các bệnh về đường hô hấp. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bác sỹ Hương cho biết thực tế, cảm cúm giao mùa có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, một số những nhóm đối tượng như trẻ nhỏ, người cao tuổi hay phụ nữ mang thai thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

"Người cao tuổi với hệ miễn dịch đã bị suy giảm chức năng và trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nếu bị bệnh thì nguy cơ biến chứng cũng cao hơn những độ tuổi khác. Đối với phụ nữ mang thai, ba tháng đầu của thai kỳ là khoảng thời cực kỳ quan trọng bởi nếu mắc bệnh thì sẽ có nguy cơ dị tật cho thai nhi," bác sỹ Hương nói.

 

[Làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, “vượt lạnh” an toàn?]

Các triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi nhiễm virus: đầu tiên là sốt, đau hoặc rát họng, sau đó là ngạt mũi và chảy nước mũi. Những triệu chứng như đau họng thường đi qua nhanh hơn, còn ngạt mũi và chảy nước mũi sẽ chuyển biến nặng hơn vào ngày thứ hai và thứ ba, kèm theo những triệu chứng khác như ho, hắt hơi hoặc đau nhức toàn thân. Thông thường, các biểu hiện của bệnh cảm cúm giao mùa sẽ kéo dài trong khoảng một tuần.

Bổ sung năng lượng với các "phương thuốc tự nhiên"

Sức đề kháng chính là "tấm lá chắn" bảo vệ hệ miễn dịch tự nhiên của con người. Khi "những kẻ xâm lược" như vi khuẩn, vi khuẩn hay ký sinh trùng tấn công khiến cơ thể rơi vào tình trạng "hắt hơi sổ mũi" thì hệ miễn dịch sẽ huy động các yếu tố kháng nguyên, tế bào bạch cầu hoặc protein để phá huỷ các yếu tố gây hại.

Bởi vậy, việc tăng sức đề kháng giúp cơ thể có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để mỗi người ngăn ngừa nguy cơ mắc các loại bệnh trong thời điểm thời tiết giao mùa.

Tư vấn về những phương pháp giúp cơ thể luôn bảo đảm sức khoẻ trong điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, bác sỹ Bùi Anh Thông (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) cho biết bên cạnh các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng, một số loại thực phẩm cũng có khả năng giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để phòng bệnh.

Nhung thuc pham 'vang' nang cao suc de khang khi thoi tiet giao mua hinh anh 2Táo là thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Cơ thể không tự tạo ra vitamin C, bởi vậy việc cung cấp loại vitamin này qua các loại thực phẩm sẽ giúp chức năng hệ miễn dịch, kết cấu xương và làn da duy trì được trạng thái khoẻ mạnh," bác sỹ Thông nói.

Bác sỹ Thông cho biết nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, cà chua, kiwi, rau bina... được xem như những phương thuốc chữa cảm lạnh tự nhiên và an toàn với người sử dụng khi hấp thụ qua nguồn thực phẩm rau củ quả. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C liều cao (hơn 2.000 mg/ngày đối với người lớn) có thể gây ra một số triệu chứng của các bệnh như sỏi thận hoặc tiêu chảy...

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm chứa các chất chống oxy hoá hỗ trợ khả năng miễn dịch như táo (chứa phytochemical), bông cải xanh và các loại rau họ cải (chứa sulforaphane) hay trà xanh và việt quất (chứa falvonoid)... cũng là những thực phẩm góp phần tiêu diệt các yếu tố khởi phát cảm lạnh. Một điểm cộng nữa là protein trong nhóm thực phẩm này cũng có lợi cho hệ tiêu hoá của cơ thể.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày nhóm thực phẩm có khả năng chống viêm nhiễm như dầu oliu (có hàm lượng cao axit béo không bão hoà); trà nhân sâm (chứa glutathione ngăn ngừa ung thư) hay các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi (chứa axit omega-3 giảm nguy cơ bệnh tim, mạch vành)... để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, đặc biệt là vào giai đoạn thời tiết giao mùa./.

Việt Anh (Vietnam+)