Những ngọn hải đăng vùng Đông Bắc: Kỳ cuối: Nhìn Tổ quốc từ hải đăng Vĩnh Thực

13:30 - 24/01/2023

Hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài theo dải đất hình chữ S, được ví như "mắt biển" vùng Đông Bắc.

 

Nằm ở phía Bắc xã đảo Vĩnh Thực (TP. Móng Cái, Quảng Ninh), trên đỉnh núi Đầu Tán, hải đăng Vĩnh Thực (xây dựng năm 1962) đứng sừng sững với phong cách kiến trúc Pháp cổ, tháp đèn hình trụ. Chiều cao toàn bộ là 86,0m (tính đến mực nước số "0" hải đồ), chiều cao công trình là 18,0m (tính đến nền móng công trình), tầm hiệu lực ánh sáng 20,7 hải lý.

Hải đăng Vĩnh Thực nằm ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài dọc ven biển Việt Nam

Từ trung tâm đảo, con đường dẫn lên hải đăng dài hơn 6km, băng qua nhiều địa hình. Hải đăng Vĩnh Thực đặt ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc, làm nhiệm vụ "soi đường, định vị" cho tàu thuyền và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Đi hết khu dân cư, khung cảnh nơi cuối con dốc mở ra bát ngát một bên là vực biển, một bên là vách núi cheo leo. Xa xa trên đỉnh núi Đầu Tán là "mắt biển - hải đăng Vĩnh Thực".

Hải đăng Vĩnh Thực thuộc quản lý của Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc (trong ảnh: Hải đăng Vĩnh Thực nhìn từ biển)

Trước kia, để thắp sáng hải đăng Vĩnh Thực phải đốt bằng đèn măng sông, nhiên liệu là loại dầu hỏa đặc biệt. Trước khi đốt đèn phải bơm tay cho dầu thành các giọt sương phun vào các sợi vải lưới hóa học rồi cháy ở đó và phải nhiều lần dùng tay bơm dầu lên.

Ngày ấy, những người "gác đèn" phải dùng 2 chiếc đèn luân phiên thắp sáng hằng đêm. Sau này, có máy phát điện nhỏ để thắp sáng ngọn đèn. Từ ngày trên đảo được cấp điện lưới, hải đăng Vĩnh Thực đã sử dụng điện lưới quốc gia thắp sáng.

Trên hành trình từ Mũi Ngọc ra tới đảo Vĩnh Thực, có thể cảm nhận về nắng, gió cùng vị mặn của biển. Đứng trên đỉnh của trạm đèn, nơi địa đầu vùng Đông Bắc, phóng tầm mắt ra là bao la biển trời. Giữa khung cảnh một bên là bãi tắm Đầu Đông với những dải cát vàng, một bên là mũi Sa Vĩ - nơi đặt nét bút đầu tiên của dải đất hình chữ S, nhiều người sẽ có cảm nhận rất rõ về sự thiêng liêng của hai từ Tổ quốc.

Và khi bình minh ló rạng, những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu qua ngọn hải đăng, khung cảnh càng hùng vỹ và nên thơ.

Hành trình đến với hải đăng Vĩnh Thực, nơi địa đầu biên cương, cùng cảm nhận chân thật nhất dáng hình thân thương của đất nước, thêm tự hào và quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảm nhận việc vận hành hải đăng Vĩnh Thực là 7 cán bộ công nhân viên thuộc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải Miền Bắc.

Hơn 10 năm gắn bó với hải đăng Vĩnh Thực, anh Vũ Văn Dụng (sinh năm 1976, quê Hải Phòng) không nhớ xuể đã bao nhiêu lần leo qua 152 bậc cầu thang để lên đến ngọn hải đăng.

Những ngọn hải đăng vùng Đông Bắc: Kỳ cuối: Nhìn Tổ quốc từ hải đăng Vĩnh Thực     - Ảnh 4.

Anh Vũ Văn Dụng, Trạm trưởng hải đăng Vĩnh Thực (ảnh: L. Linh)

"Ở đây, "đặc sản" là nắng và gió. Mùa hè thì nắng cháy da, mùa đông, gió lạnh thổi thấu xương, nhưng anh em trạm đèn quen rồi", vị Trạm trưởng hải đăng Vĩnh Thực chia sẻ.

Để thuận tiện cho việc sinh hoạt và tiếp tế, Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ cấp cho anh em trên trạm đèn một chiếc xe máy và định mức xăng dầu để sử dụng. 

"Việc sử dụng xe máy để đi lại cũng phải được tính toán chi li, trường hợp thực sự cần thiết anh em mới dùng đến", anh Dụng nói và cho biết, mặc dù đặc thù công việc và sinh hoạt còn vất vả, khó khăn song anh em trạm hải đăng vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.