Những nghệ sĩ trẻ tình nguyện ở tuyến đầu chống dịch
16:24 - 03/08/2021
Gặp Nguyễn Linh Trúc Lai trong một buổi chiều chạng vạng tối ở TP Hồ Chí Minh, mái tóc dài cô luôn tự hào và chăm chút cẩn thận nay được cắt ngắn. Nụ cười tươi trên gương mặt thoáng mệt mỏi, nữ ca sĩ tự hào chia sẻ: “Em là một tình nguyện viên chống dịch”.
Hy sinh để trở thành tình nguyện viên
Trúc Lai là một ca sĩ trẻ tài năng. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, cô theo đuổi dòng nhạc dân ca và gặt hái nhiều giải thưởng về âm nhạc trong nước cũng như quốc tế. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, nữ ca sĩ sinh năm 1995 từng là gương mặt đại diện của Việt Nam tại chương trình Giao lưu Văn hóa các nước ASEAN - Trung Quốc và thường xuyên xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình về nghệ thuật.
Chúng tôi quen nhau qua Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức năm 2016. Khi đó, Trúc Lai là một trong nhiều đại biểu trẻ xuất sắc từ khắp mọi miền Tổ quốc ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Nở nụ cười tươi trên gương mặt thoáng mệt mỏi, cô tự hào chia sẻ: “Em là một tình nguyện viên chống dịch”. Qua lời kể của Trúc Lai, tôi được hiểu thêm những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 với giới nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ trẻ nói riêng trong hơn một năm trở lại đây.
Các buổi biểu diễn liên tiếp phải hủy bỏ, nhiều chương trình phải lên lịch trước từ rất lâu cũng bị hoãn vô thời hạn. Bên cạnh công tác nghệ thuật, Trúc Lai còn dành thời gian tự kinh doanh. Vậy nhưng, những làn sóng dịch liên tiếp cũng dần khiến cửa hàng của cô ca sĩ trẻ phải thu nhỏ quy mô rồi đóng cửa hoàn toàn.
“Trước lời kêu gọi từ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, em đã đăng ký tham gia “Nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ Nhà văn hóa thanh niên”. Do chưa từng tham gia chống dịch, nên thời gian đầu em khá lo lắng. Thực ra, em không sợ khó khăn, mà chỉ ngại sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của nhóm tình nguyện”, cô ca sĩ có thân hình mảnh mai kể.
Giọng dân ca giữa tâm dịch
Quả thật, đây là lần đầu giọng ca trẻ tham gia một hoạt động tình nguyện cần nhiều sức lực tới như vậy. Cô và các thành viên trong nhóm nhanh chóng được “thử sức” với những bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, đứng liên tục 8-9 giờ đồng hồ dưới ánh nắng gắt để điều phối người dân lấy mẫu, hỗ trợ các y, bác sĩ nhập liệu, viết mã xét nghiệm…
Thông thường, khi công việc kết thúc thì đồng hồ cũng điểm 1-2 giờ sáng. Nhiều người trong nhóm tình nguyện viên ngã lăn ra đất vì kiệt sức. Đến ca trực hôm sau, Trúc Lai tưởng như không thể tiếp tục vì cả người ê ẩm. Thế nhưng, những lời hỏi han, ánh mắt trìu mến của bà con nhân dân và nụ cười động viên từ đồng đội đã trở thành nguồn sức mạnh kỳ diệu, giúp cô hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Sau gần hai tháng, Trúc Lai trở thành hạt nhân năng nổ của nhóm. Cô chuyển luôn đến ở nhờ nhà người thân gần khu vực chốt tình nguyện để tiện hỗ trợ ngay khi cần.
Mỗi khi bà con phải chờ tới lượt lấy mẫu, giọng ca trời phú của Trúc Lai trở thành “phương thuốc” diệu kỳ, xua tan mệt mỏi cho cả người dân và lực lượng chống dịch. Dù ngắn ngủi, nhưng cô luôn xem đây là những buổi biểu diễn ý nghĩa nhất trong sự nghiệp.
Ngày nào không phải hỗ trợ ở các khu lấy mẫu, Trúc Lai lại đến các bếp ăn thiện nguyện, cùng bạn bè, đồng nghiệp chuẩn bị cơm miễn phí gửi tặng cán bộ, y, bác sĩ, tình nguyện viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian làm “đầu bếp nghiệp dư”, cô và các nghệ sĩ trẻ còn kêu gọi được nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng, làm phong phú các bữa ăn trên tuyến đầu dập dịch. Không những vậy, các thành viên của nhóm tình nguyện còn kiêm luôn “shipper” vận chuyển rau củ miễn phí tới tặng người dân tại các khu dân cư thuộc diện cách ly.
Hạnh phúc giản dị của nhà thiết kế trẻ
Nguyễn Linh Trúc Lai không phải nghệ sĩ trẻ duy nhất tích cực tham gia hỗ trợ dập dịch Covid-19 tại thành phố mang tên Bác thời gian gần đây.
Hồ hởi khoe những tin nhắn cảm ơn từ người dân không thể đi chợ do phải cách ly, đạo diễn, nhà thiết kế trẻ Nguyễn Thanh Bình (nghệ danh Nguyễn Bảo) xúc động nói: “Mỗi tối, sau chuỗi hoạt động tình nguyện kéo dài cả ngày, tôi lại ngồi đọc và trả lời từng tin nhắn. Đó là một cảm xúc ấm áp, hạnh phúc không gì so sánh được”.
Anh cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, công việc thường ngày của anh là biên đạo, dàn dựng các hoạt động nghệ thuật, thiết kế thời trang, tham gia các cuộc thi sắc đẹp trong vai trò giám khảo... Vốn sinh ra và lớn trên tại TP Hồ Chí Minh, khi dịch bệnh ập tới, Nguyễn Bảo tự nhủ phải tìm mọi cách để hỗ trợ người dân ổn định lại cuộc sống.
Sau khi trở thành một tình nguyện viên chống dịch, đạo diễn – nhà thiết kế trẻ được phân công hỗ trợ người dân viết phiếu thông tin, khai báo y tế, điều phối xếp hàng lấy mẫu, kiểm tra sức khỏe để tiêm vắc-xin. Vài ngày sau, do khối lượng công việc quá lớn, Nguyễn Bảo được điều động sang nhóm hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.
Đó là lần đầu tiên anh cảm nhận một cách đầy đủ những vất vả mà các cán bộ, y, bác sĩ ở tuyến đầu phải đối mặt hằng ngày. Mồ hôi ướt đẫm dưới lớp đồ bảo hộ, khẩu trang, mặt nạ bịt kín nhiều lớp trong cái nóng ngày hè khiến các tình nguyện viên cảm thấy rất khó thở.
Cuối ngày, nhiều người trong nhóm tình nguyện của Nguyễn Bảo thậm chí không đủ sức cầm hộp cơm lên ăn. Khó khăn là thế, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, cả nhóm đã nhanh chóng bắt nhịp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến cải thiện tiến độ, hiệu quả công việc.
“Phải cố gắng hơn nữa!”
Khi các ca lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng cao, việc xét nghiệm chuyển sang lấy mẫu kháng nguyên thay vì mẫu gộp, nên kết quả sẽ có ngay sau 15 phút. Mỗi khi gặp trường hợp dương tính, cả nhóm lại tất tả thay găng tay, khử khuẩn toàn thân thật nhanh rồi tiếp tục công việc, không để chậm trễ, bởi chỉ cần một kíp “hụt hơi” thì toàn “dây chuyền” sẽ bị ảnh hưởng.
Cứ như vậy, guồng quay của dịch bệnh dần khỏa lấp sự lo lắng trong Nguyễn Bảo và các đồng nghiệp, giúp cả nhóm trở thành những người “thần kinh thép”.
“Hầu như buổi lấy mẫu nào cũng phát hiện ca dương tính. Người nhiễm Covid-19 được phát một bộ quần áo bảo hộ y tế đặc biệt và phải ngồi riêng một góc thật xa. Nhìn vào đôi mắt thẫn thờ, vẻ mặt âu lo của họ, tôi không khỏi ngậm ngùi, lại càng thúc giục bản thân: Phải cố gắng hơn nữa!”, Nguyễn Bảo cho hay.
Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đẩy mạnh tuyên truyền, cấp tốc kết nối hơn 20 nghìn tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch. Qua đây, thành lập 319 đội hình phản ứng nhanh ở tất cả các đơn vị hành chính với gần 33 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
Đồng thời, huy động hơn 12 tỷ đồng nhu yếu phẩm hỗ trợ tuyến đầu và nhân dân; triển khai hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp thiết thực như “ATM khẩu trang”, “Tủ lạnh vì cộng đồng”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng”...
Từ phong trào tình nguyện bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phát động, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trên mặt trận phòng, chống dịch của tuổi trẻ, tiêu biểu có thể kể đến mô hình “Đi chợ giúp người dân” của “Nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ Nhà văn hóa thanh niên”.