Nhung ngan hang thuong mai nao duoc cap room tin dung? hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Nguồn tin của Báo điện tử VietnamPlus, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2023 cho 8 tổ chức tín dụng.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, room tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải-MSB năm nay được cấp là 13,5% (năm 2022 là 9,5%). Đây cũng là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022.

Còn lại các ngân hàng đều giảm so với năm trước. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh-HDBank được cấp room là 11% (năm 2022 là 15%). Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu-ACB là 9,8% (năm 2022 là 10%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế-VIB là 9,5% (năm ngoái là 10%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong-TPBank là 9,1% (năm 2022 là 11,5%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng-VPBank và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-MB cùng ở tỷ lệ là 9% (năm trước là 15%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV là 9,5% (năm trước là 13,5%).

[Chỉ thị của Thống đốc đầu năm 2023: Tăng trưởng tín dụng từ 14%-15%]

Nguồn tin Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.

 

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn./.

Thúy Hà (Vietnam+)