Những tai nạn, sự cố thời gian gần đây xảy ra đối với các tàu cá và bà con ngư dân trên biển Việt Nam thường là tàu hỏng hóc kỹ thuật, trôi dạt trên biển, tàu bị thủng vỏ, đâm va với tàu biển, cháy nổ do bình ga, ngư dân bị tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất trên biển...
Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn, sự cố chủ yếu là từ chủ quan của ngư dân. Đó là việc vi phạm các quy định về an toàn trên biển như không mang áo phao, pháo cứu sinh, máy thông tin liên lạc, đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động, công tác trực canh, cảnh giới trên biển không thực hiện tốt...
Nhiều tàu có vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị trên tàu quá cũ. Do thiếu sự quan tâm đầu tư, nhiều tàu đã đại tu quá nhiều lần, không đảm bảo an toàn vẫn được đưa ra khơi hoạt động nên tỷ lệ rủi ro rất cao. Nhiều tàu thuyền không được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm xa nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phát đi thông tin khi gặp nạn. Phần lớn các tàu cá hiện nay mới được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm ngắn, vì vậy khi thời tiết xấu, biển động, sóng lớn thì việc liên lạc giữa các tàu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố trong quá trình hoạt động tại ngư trường, bên cạnh sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá khi làm việc trên biển thì chính ngư dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ chính mình mỗi khi ra khơi. Những năm gần đây, nhiều địa phương duyên hải trong cả nước có nghề cá phát triển đã thành lập và duy trì hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, đặc biệt là thành lập các tổ, đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như cùng xử lý tai nạn, sự cố, cung cấp trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết, ngư trường...
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế do sương mù thì phần lớn nguyên nhân là do sự chủ quan của ngư dân. Đó là nhiều chủ tàu chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc; sử dụng tàu cá cũ, có tuổi đời cao; ít bảo dưỡng định kỳ nên dễ hư hỏng.
Tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, nguyên nhân là do đa số tàu cá của ngư dân thường sử dụng máy thủy cũ làm máy chính trên tàu, thậm chí một số tàu cá chỉ có một máy chính, không có máy phụ dự phòng nên không đảm bảo cho việc hoạt động trên biển. Tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trên biển như không mang áo phao, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, còi báo, đấu nối hệ thống điện trên tàu không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn… thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, đặc thù lao động trên biển khá nặng nhọc, lịch sinh hoạt thay đổi, ban ngày thì nghỉ ngơi còn ban đêm thì phải thức trắng để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió, trơn trượt. Tuy nhiên, người lao động lại chưa được trang bị và đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đi biển, kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển mà chủ yếu là người đi trước hướng dẫn cho người đi sau; thậm chí còn có tình trạng lao động trên biển nhưng lại không biết bơi. Nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên làm việc trên tàu cá theo quy định, dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ khi thuyền viên gặp rủi ro.
Do đó, cần tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải; cách ứng cứu, phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục củng cố các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt vừa tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra.
Thực tế là không có lực lượng nào có thể cứu hộ, cứu nạn nhanh, kịp thời hơn các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển do họ đánh bắt trên cùng ngư trường, có tần số liên lạc chung, thống nhất các quy ước, dấu hiệu trong trường hợp không may gặp tai nạn để các thành viên khác và tàu cá trong cùng tổ đội có cách tìm kiếm hiệu quả nhất.
Để khắc phục và hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn cho người và tàu cá trên biển, ngư dân cần nâng cao ý thức chấp hành và sử dụng, đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, đồng thời ghi nhớ các tần số cứu nạn khẩn cấp, số điện thoại liên lạc của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam. Bà con có thể nghe các bản tin cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển và các thông tin an toàn hàng hải khác trên hai tần số 7906 KHz và 8294 KHz. Khi gặp tai nạn, sự cố trên biển cần sự trợ giúp, bà con hãy liên lạc với bất kỳ đài thông tin duyên hải nào trên tần số 7903 KHz để được hỗ trợ kịp thời.
Những lưu ý về an toàn lao động trên biển
08:06 - 26/05/2022