Những công nghệ phòng ngừa TNGT “thú vị” trên thế giới

09:49 - 28/04/2021

Tạp chí GTVT - TNGT là “căn bệnh mãn tính” ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Các quốc gia không ngừng tìm kiếm những “phương thuốc” để kiềm chế “căn bệnh” này, từ việc đầu tư số tiền khổng lồ cho hạ tầng đến những sáng kiến công nghệ tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp ứng dụng công nghệ để giảm thiểu TNGT ở một số quốc gia.

Anh quoc te
"Con nghiện" smartphone sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo vào điện thoại khi chuẩn bị bước vào khu vực giao thông

 

Công nghệ cảnh báo “con nghiện” smartphone ở Hàn Quốc
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với khoảng 94% người lớn sở hữu thiết bị. Theo đó, ngày càng có nhiều người đi bộ dán mắt vào điện thoại khi tham gia giao thông dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Trước những lo ngại về vấn nạn này, Viện Kỹ thuật dân dụng và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) đã có sáng kiến về hệ thống đèn cảnh báo thông minh được lắp đặt tại vị trí vạch qua đường ở các ngã tư. Ngoài những đèn LED màu đỏ, vàng và xanh lam được lắp trên đường, những con nghiện smartphone sẽ được cảnh báo cả bằng hình ảnh do chùm tia laze chiếu ra từ cột điện và một tin nhắn gửi đến điện thoại nhắc nhở rằng họ đang chuẩn bị đi vào khu vực xe cộ lưu thông. Hệ thống cảnh báo đa chiều được vận hành bởi cảm biến radar và camera nhiệt có giá 15 triệu won (khoảng hơn 300 triệu đồng) cho một ngã tư. Các tài xế ô tô khi nhìn thấy hệ thống đèn nhấp nháy cũng có thể chủ động giảm tốc độ để tránh va chạm. Công nghệ này đã cho thấy hiệu quả lên tới 83,4% thời gian trong các cuộc khảo sát của KICT trên 1.000 phương tiện. Hiện tại, hệ thống cảnh báo con nghiện điện thoại này mới chỉ được thí điểm ở TP. Ilsan nhưng dự kiến sẽ được triển khai phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.

Sáng kiến cảnh báo tai nạn bằng… “mùi hương”
Nghe có vẻ kì lạ nhưng sáng kiến cảnh báo TNGT bằng mùi hương trong ô tô có thể là bước đột phá lớn sau dây an toàn và túi khí. Các nhà khoa học của Trường Đại học Sussex (Vương quốc Anh) đã thực hiện các cuộc thử nghiệm trên thiết bị mô phỏng và phát hiện ra rằng, việc xịt một mùi hương dễ chịu, êm dịu vào người lái có thể làm giảm số vụ tai nạn. Các nhà khoa học đã gắn một thiết bị phun mùi vào tâm vô lăng. Thiết bị này sẽ tỏa ra mùi hương khi ô tô đến gần một mối nguy hiểm, chẳng hạn như một chiếc xe đang lao tới hay một người đi xe đạp phanh gấp ở đằng trước. Nhiều mùi hương khác nhau đã được thử nghiệm, trong đó có mùi hoa hồng, mùi chanh và mùi xạ hương (nguyên liệu thường dùng để chế tạo nước hoa). Kết quả cho thấy, mùi hoa hồng làm giảm tới 64% số vụ tai nạn, trong khi mùi xạ hương làm tăng tới 46% số vụ tai nạn. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng, khứu giác là giác quan phản ứng nhạy bén hơn cả thị giác hoặc thính giác. Mùi phải mất một lúc để đến mũi nhưng một khi các phân tử mùi hương lọt vào mũi, quá trình từ mũi đến não sẽ nhanh hơn từ mắt và tai. Việc tạo ra mùi hương trong ô tô có thể cảnh báo não nhanh hơn là bằng hình ảnh, âm thanh. Hệ thống hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm bởi để ứng dụng vào cuộc sống đòi hỏi một số công nghệ trí tuệ nhân tạo để cảm nhận nguy hiểm trên đường.

Nộp phạt online ở New Zealand
Tại New Zealand, việc đi đúng tốc độ cho phép là bắt buộc. Dù đi chậm dưới tốc độ hay đi nhanh quá tốc độ quy định, người điều khiển xe đều có thể phải đối mặt với một phiếu phạt về tốc độ. PV Tạp chí GTVT đã có một trải nghiệm nhớ đời khi bị "phạt nóng" tại New Zealand. Khi mới tới Auckland, chúng tôi nhanh chóng thuê một chiếc xe để vi vu trên đường. Không quá khó khăn để di chuyển trong thành phố cho dù phải lái xe tay lái nghịch cho đến khi ra ngoại ô và đi vào đường cao tốc. Đầu tiên, chúng tôi đi khá chậm vì chưa quen đường trong khi các xe khác đều vun vút với tốc độ 100 km/h nên chỉ sau vài phút, chúng tôi đã bị cảnh sát "hỏi thăm" và nhắc nhở nếu tiếp tục đi chậm dưới tốc độ cho phép thì sẽ bị phạt.Sau cuộc trao đổi, chúng tôi mạnh dạn nhấn chân ga lên tốc độ 100 km/h. Hành trình vẫn tiếp tục cho đến khi một lần nữa lại xuất hiện chiếc xe cảnh sát khác ra hiệu dừng lại, yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy tờ xe, hộ chiếu. Sau khi xem xét giấy tờ, vị cảnh sát thông báo xe chạy quá tốc độ 15 km/h trong khi đường cao tốc có quy định tốc độ tối đa là 100 km/h. Một phiếu phạt thể hiện số tiền phạt 80 đô la New Zealand, số thẻ phạt và đường link trực tuyến được đưa cho người vi phạm. Vị cảnh sát chỉ dẫn nên nộp phạt trong vòng một tháng kể từ thời điểm vi phạm để tránh bị phạt tiền nộp chậm. Để nộp phạt, chúng tôi truy cập vào địa chỉ website ghi sẵn trên phiếu phạt, sử dụng thẻ visa và chỉ mất 5 phút để hoàn thành các bước nộp phạt. Theo quy định của luật pháp New Zealand, nếu người nước ngoài vi phạm không nộp phạt đúng quy định sẽ lập tức bị chuyển vào danh sách tội phạm, bị trục xuất ngay lập tức và không thể trở lại New Zealand một lần nào nữa.

Minh Phương - Phúc Lâm(tổng hợp)

http://www.tapchigiaothong.vn/nhung-cong-nghe-phong-ngua-tngt-thu-vi-tren-the-gioi-d91010.html