Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay, các nhà khoa học nữ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học, khẳng định được tài năng, sức sáng tạo và trí tuệ trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học.

Nữ Giáo sư nhiều năm gắn bó với công nghệ sinh học

Giáo sư-Tiến sỹ- nghiên cứu viên cao cấp Đặng Diễm Hồng (sinh năm 1960), Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có 40 năm gắn bó với các nghiên cứu về công nghệ sinh học, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ tảo.

Nhung Giáo sư-Tiến sỹ- nghiên cứu viên cao cấp Đặng Diễm Hồng (giữa, trước) và các đồng sự trong phòng Công nghệ tảo. (Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Từ những năm 1989-1993, bà đã có cơ hội tiếp thu kiến thức về công nghệ tảo trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Lomonosov, Nga. Sau đó, bà tiếp tục được đào tạo sau Tiến sỹ ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản; trao đổi khoa học ngắn hạn ở một số nước như Malaysia, Nhật Bản; Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ… cũng như thường xuyên tham gia các hội nghị khoa học quốc tế về công nghệ vi tảo, rong biển...

Trong 30 năm trở lại đây, bà đã cùng với các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Công nghệ Tảo thuộc Viện Công nghệ sinh học xây dựng được một bộ sưu tập giống về vi tảo nước ngọt và biển.

Từ bộ sưu tập này, các chủng loài vi tảo nước ngọt và biển được phân lập có nguồn gốc của Việt Nam đã được cung cấp trở lại cho các trại nuôi trồng thủy sản cũng như cung cấp cho các viện nghiên cứu, trường học trong cả nước để phục vụ giảng dạy, đào tạo cho học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

 

Các trại nuôi trồng thủy sản trong cả nước được cung cấp giống vi tảo của Phòng thí nghiệm công nghệ tảo làm nguồn giống đã nhân nuôi sinh khối các cấp khác nhau để làm nguồn thức ăn tươi sống và giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao, ấu trùng hàu Thái Bình Dương, Tu Hài; cho ấu trùng tôm, cua, cá...

Bên cạnh đó, các vấn đề cần giải quyết về thức ăn là vi tảo ở các trại cũng nhanh chóng được Giáo sư Đặng Diễm Hồng nắm bắt thường xuyên nhờ sự thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa phòng thí nghiệm và các chủ trại nuôi trồng thủy sản.

Giáo sư Đặng Diễm Hồng nhận định Việt Nam có ngành xuất khẩu thủy sản trị giá hơn 10 tỷ USD vào năm 2022 đã cho thấy vai trò quyết định và bí quyết công nghệ trong việc nuôi trồng thành công các loài vi tảo giàu dinh dưỡng làm thức ăn cho các đối tượng nuôi ở Việt Nam.

Việc phải nội địa hóa nguồn thức ăn cho các đối tượng nuôi trong nuôi trồng thủy sản cũng đang được đặt ra và phải từng bước được nâng cao trong những năm tới (thức ăn chiếm đến 70% giá thành xuất khẩu các đối tượng nuôi hiện nay). Trong đó, nguồn thức ăn là vi tảo giàu dinh dưỡng, có chất lượng tốt cùng với một công nghệ nuôi trồng ở các quy mô khác nhau nhưng đơn giản và rẻ tiền được xem là một giải pháp hữu hiệu.

Cùng với đó, ứng dụng vi tảo làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho người cũng được Giáo sư Đặng Diễm Hồng dày công nghiên cứu từ những năm 2010 đến nay.

Trước kia, tảo xoắn Arthrospira(Spirulina) platensis được cho là chỉ nuôi được ở khu vực phía Nam như Bình Thuận (có điều kiện nhiều nắng và số giờ có nắng trong năm cao, ít mưa, có nguồn nước khoáng tự nhiên…).

Nhưng hiện nay, nhờ các nghiên cứu về công nghệ sinh học của bà, các tỉnh, thành phố phía Bắc và Trung Bộ cũng đã nuôi thành công tảo xắn này trên quy mô công nghiệp và bán công nghiệp.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cổ phần Khoa học công nghệ tảo-VASTCOM tại xóm 6, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được Giáo sư Đặng Diễm Hồng và cộng sự chuyển giao các chủng tảo xoắn có đặc điểm sinh học thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

Công ty này sở hữu một quy trình công nghệ nuôi trồng tảo xoắn này ở các cấp từ giống cấp 1, giống cấp 2, các hệ thống bể quang sinh kín, các hệ thống bể hở với diện tích nuôi hiện lớn nhất nước với trên 2ha.

Năng suất của Công ty hiện nay đạt cao nhất đến 700-800kg sinh khối khô/1 tháng, cung cấp sinh khối tảo xoắn đạt tiêu chuẩn làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho con người; cung cấp sinh khối tảo xoắn khô bổ sung vào sữa chua; bổ sung vào thức ăn cho chăn nuôi bò chất lượng cao để làm tăng chất lượng thịt giàu axit béo omega-3 và omega-6; sinh khối tảo xoắn cũng được bổ sung vào bánh và các thực phẩm ăn chay giàu dinh dưỡng.

Giáo sư Đặng Diễm Hồng cho biết, là phụ nữ làm nghiên cứu khoa học sẽ có rất nhiều khó khăn như cân đối giữa công việc gia đình và công việc chuyên môn. Tuy nhiên, việc được đào tạo bài bản trong môi trường khoa học có chất lượng cao đã giúp bà luôn cố gắng hoàn thành công việc.

Bà luôn hướng tới mục tiêu xuyên suốt trong các nghiên cứu của mình là chuyển giao được các kết quả nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu vào thực tế, giúp người dân trong cả nước nuôi trồng được vi tảo giàu dinh dưỡng với giá thành rẻ nhất bằng các công nghệ đơn giản nhất nhưng phải bảo đảm được chất lượng sản phẩm.

Đó cũng là một vấn đề mà các nhà nghiên cứu về công nghệ tảo luôn đi tìm kiếm công nghệ nuôi hiện nay.

Nữ Tiến sỹ trẻ năng động

Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh (sinh ngày 2/5/1984), làm việc tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nhà nữ khoa học trẻ có nhiều nghiên cứu nổi bật trong quản lý môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai để tiến tới phát triển bền vững.

Đặc biệt, cô tích cực hoạt động kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm cùng nhau trao đổi kiến thức, hợp tác trên nhiều phương diện. Chị hiện là Chủ tịch của Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), hội phi lợi nhuận đầu tiên dành cho các chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan.

Nhung Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh. (Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Các nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh hướng đến đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, hiện tượng đô thị đảo nhiệt liên quan đến thay đổi sử dụng đất, chuyển đổi lớp phủ bị tổn thương do bão.

Ngoài ra, chị còn nghiên cứu các đánh giá không gian xanh đô thị nhằm cung cấp thông tin chiến lược về nền sinh thái và môi trường để đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp nhằm cải thiện và phục hồi môi trường; nâng cao hiểu biết về các thảm họa thiên nhiên để hỗ trợ giảm thiểu, thích ứng và quản lý để ứng phó với các rủi ro và tối ưu hóa việc quản lý không gian xanh đô thị để tạo ra môi trường sống tốt hơn và chất lượng cao hơn cho con người.

[Giải thưởng Kovalevskaia - khẳng định tài năng phụ nữ Việt]

Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ từ các tổ chức quốc tế: Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Á, châu Đại Dương (AOGS)... Cô cũng được chọn là gương mặt làm Đại sứ truyền thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).

Trong 5 năm gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh là tác giả của ba cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (danh sách khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao trên thế giới), 10 bài báo về kỹ thuật điện và điện tử, hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế...

Tính riêng trong năm 2022, chị đã công bố 3 bài báo thuộc danh mục ISI, tham gia trình bày 5 báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế và nhận được Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì đã lập thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Là nhà nữ khoa học trẻ, năng động, trong thời gian công tác tại Đài Loan vào năm 2021, Kim Anh đã cùng với các nhà khoa học Việt Nam thành lập Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan.

Với các thành viên là đội ngũ đông đảo tri thức, chuyên gia có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, Hội hướng đến tạo lập một môi trường năng động và độc đáo, cung cấp cho các thành viên sự kết nối, hợp tác và phát triển.

Hội đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Đài Loan và Việt Nam trên nhiều phương diện như khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa và dịch vụ; xây dựng mạng lưới và cơ sở dữ liệu giữa các chuyên gia Việt Nam đang làm việc và học tập tại Đài Loan và kết nối họ với các đối tác Đài Loan, kết nối giữa mạng lưới tri thức Việt Nam tại Đài Loan với giới trí thức trong nước và thế giới...

Nghiên cứu khoa học cần đam mê và kiên trì

Với xuất phát điểm là một cử nhân kinh tế, tốt nghiệp khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Nguyễn Thị Hạ đã trải qua nhiều vị trí công việc từ nhân viên đến quản lý tại các công ty, tập đoàn trong nước và nước ngoài.

Năm 2016, với một cơ duyên bất ngờ, Nguyễn Thị Hạ chuyển về công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học, làm quen với công việc nghiên cứu khoa học, với những chính sách kinh tế- xã hội vĩ mô, rồi lại học tiếp lên Thạc sỹ và lên Tiến sỹ.

Năm 2021, Nguyễn Thị Hạ đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài nghiên cứu “Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) ở Trung Quốc và một số hàm ý cho Việt Nam” được Hội đồng đánh giá rất cao.

Nhung Tiến sỹ Nguyễn Thị Hạ trong buổi bảo vệ Luận án tiến sỹ Kinh tế “Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) của Trung Quốc và một số hàm ý cho Việt Nam” ngày 17/9/2022. (Nguồn: Học viện Khoa học xã hội)

Là một nhà nghiên cứu trẻ nhiệt huyết và có năng lực, Tiến sỹ Hạ được tham gia các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước và các đề tài được tài trợ bởi Quỹ khoa học công nghệ Quốc gia hay các Quỹ tài trợ quốc tế. Quãng thời gian làm nghiên cứu khoa học dù chưa nhiều nhưng đã giúp chị có những trải nghiệm quý và tích lũy nhiều kiến thức mới.

Tiến sỹ Hạ tâm sự, trước đây, khi làm doanh nghiệp, hầu như chỉ tiếp cận những kiến thức ở góc độ vi mô, nhưng khi vào nghiên cứu mình được tiếp cận nhiều kiến thức vĩ mô hơn, hiểu hơn về thế giới, về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, quan hệ chính trị- ngoại giao… giữa các quốc gia.

Trước khối lượng tri thức khoa học xã hội rộng lớn, càng tìm hiểu, nghiên cứu sâu, càng thấy hiểu biết của mình là hạn hẹp, nên mình lại càng mong muốn tiếp tục được khám phá, được hiểu sâu hơn để có những cống hiến và những nghiên cứu có ích cho xã hội nhiều hơn.

Trong số các đề tài nghiên cứu của mình, Tiến sỹ Hạ tâm đắc với đề tài nghiên cứu liên quan đến kinh tế học của mình về “Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) ở Trung Quốc và kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam."

Trong thập kỷ vừa qua, làn sóng FinTech đã và đang phát triển nhanh chóng, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong các doanh nghiệp, dịch vụ, cách thức tiêu dùng và cả cơ cấu tổ chức trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam lĩnh vực FinTech còn khá non trẻ và vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức; hiện Chính phủ mới đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định để quản lý hoạt động FinTech.

Dưới góc độ quản lý vĩ mô, đề tài đã góp phần cung cấp cơ sở cho quá trình hoạch định các chính sách liên quan đến quản lý, phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính; bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển FinTech.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học hay các cơ quan nghiên cứu khác.

Dưới góc độ vi mô, tiếp cận từ lăng kính doanh nghiệp, qua phương pháp nghiên cứu trường hợp về câu chuyện thành công của một số kỳ lân FinTech điển hình ở Trung Quốc như Tập đoàn Alibaba, Tencent hay JD Finance, đề tài cũng đã đúc rút một số kinh nghiệm phát triển cho các doanh nghiệp FinTech ở Việt Nam.

Nói về dự định trong năm 2023, Tiến sỹ Hạ cho biết, chị sẽ biên tập để xuất bản đề tài nghiên cứu này thành sách và có thể làm tài liệu tham khảo cho bạn đọc quan tâm.

Tiến sỹ Hạ bộc bạch, dù trong bất kể công việc gì, khi làm việc mình đều đặt hết tâm huyết và nguồn năng lượng tích cực của mình vào việc đó, nhất là công việc nghiên cứu, càng cần phải tập trung, thật sự có đam mê và kiên trì với nghề.

Bởi vì, với tính chất của công việc nghiên cứu khoa học cần tích lũy nhiều kiến thức, hiểu biết sâu về lĩnh vực mình nghiên cứu, thậm chí cần hiểu biết về cả nhiều lĩnh vực khác có liên quan.

Việc “trồng cây” tri thức cần có nhiều thời gian mới có thể thu hoạch, hái quả. Đối với nhà nghiên cứu, nhà khoa học, việc có thể hái quả sau bao lâu là tùy thuộc năng lực, phương pháp làm việc thông minh, sự đam mê và kiên trì của từng người.

Đến nay, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hạ đã chủ nhiệm 6 đề tài cấp Viện, trong đó có 4 đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc; 2 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 3 năm đạt danh hiệu Chi đoàn viên xuất sắc và năm 2021 được tặng Bằng khen của Đoàn khối các cơ quan Trung ương.

Năm 2022, chị cũng được Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bình xét và vinh danh là nhà Khoa học trẻ có thành tích nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong năm 2021-2022./.

Hoàng Nam-Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)