Những bí quyết gia truyền trong nghệ thuật ướp trà sen
13:35 - 24/06/2021
Hương hoa sen là những gì tinh tuý nhất của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là một vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý.
Ở nước ta, không biết cây sen có tự bao giờ, chỉ biết đâu đâu cũng thấy bạt ngàn hoa sen. Song tuyệt nhất vẫn là sen Hồ Tây. Bông sen nơi đây rất lớn, hương thơm ngát, mỗi bông cho từ 9 - 10g gạo. Những hạt gạo sen trắng tinh nằm trên những tua hoa thanh mảnh, màu vàng rực. Khi mặt trời còn chìm trong sương sớm, hoa hàm tiếu (ngậm cười) chờ đợi. Và khi những tia nắng đầu tiên bừng chiếu, hàng triệu đóa sen hồng hé nở toả hương ngây ngất cả một vùng trời. Đúng lúc ấy, người nông phu chống sào đẩy thuyền lướt trên mặt hồ, hai tay nâng niu ngắt từng bông nhẹ nhàng đặt vào khoang thuyền. Cho đến khi lòng thuyền đầy ắp hoa, họ chống sào cập bến, sen được đưa về nhà. Những thôn nữ với đôi tay trắng ngần nuột nà, bàn tay trái ôm chặt đài hoa, bàn tay phải khéo léo đẩy nhẹ những ngón tay cho những hạt gạo (túi hương) rơi vào lòng chiếc lá sen lớn. Sau đó, dùng lạt buộc túm lại để nuôi hương.
Ướp chè sen là một nghề, hơn thế là một nghệ thuật lắm công phu, đòi hỏi ở người ướp sự nhẫn nại, đôi tay tinh tế và diệu nghệ. Đặc biệt, tâm hồn phải sạch trong, nhân hậu, thuỳ mị, đoan trang. Bởi hương sen rất cao quý, tinh khiết, một chút bụi nhơ cũng làm vẩn đục hương hoa. Trong nghệ thuật ướp chè sen, chè mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là chè Tuyết Shan vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi có độ cao từ 800 - 1300 m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp chè phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng, từng tia sáng của mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho chè Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, trở thành đặc sản mà những người sành chè luôn săn tìm, yêu thích. Họ trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp chè non, những lá chè bánh tẻ. Cuống và lá chè già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho chè vào chum (vại) trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3- 4 năm cho chè phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của chè vẫn lưu giữ.
Khi ướp người ta rải một lớp trà rồi một lớp mỏng gạo sen, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Trà đã sàng loại xong được cho vào một chiếc túi bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà đã khô, hương sen quyện vào trà thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người uống trà đậm hay nhạt. Hương sen càng quyện vào cánh trà, càng ướp nhiều thì chè càng thơm. Trung bình, mỗi cần chè ướp cần từ 1000 - 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi kg chè sen được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng mà người sành chè vẫn nao nức tìm mua bằng được.
Những sớm ban mai, những buổi chiều tà, gặp người tri kỷ, thủ thỉ tâm tình bên ấm trà sen hương đượm, có chốn bồng lai tiên cảnh nào bằng. Cái tinh của trà sen, cái hương thơm ngọt ngào, trong trẻo của nó sẽ làm cho hồn người thư thái, có thể tẩy được bụi trần, rửa được lòng tục. Người kén trà, trà cũng kén người. Đó là sự gặp gỡ, hoà hợp của những tư chất, tâm hồn trong sạch, thanh tao. Và kỳ lạ thay khi mỗi cánh trà, mỗi dòng hương là cả một tinh tuý của đất trời, của con người tụ lại.
"Nâng chén mời anh thưởng vị trà.
Đừng quên tan tác mấy đời hoa.
Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm.
Vớt lại trần ai một chút ta
https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-bi-quyet-gia-truyen-trong-nghe-thuat-uop-tra-sen-a2607.html