Nhìn lại hành trình 17 ngày đáng nhớ của SEA Games 31 tại Việt Nam

10:28 - 24/05/2022

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chính thức khép lại nhưng ấn tượng tốt đẹp mà Đại hội để lại vẫn còn lắng đọng trong mỗi người con của đất Việt cũng như bạn bè quốc tế.
 

Nhin lai hanh trinh 17 ngay dang nho cua SEA Games 31 tai Viet Nam hinh anh 1Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công huy chương Vàng tại SEA Games 31 sau khi đánh bại Thái Lan. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam đã chính thức khép lại. Chúng ta đã có 17 ngày đáng nhớ với nhiều ấn tượng tốt đẹp, kể từ khi môn thi đấu đầu tiên của SEA Games 31 chính thức khởi tranh, đến lễ khai mạc thắm tình đoàn kết, hữu nghị, những cuộc tranh tài hấp dẫn của gần 5.000 vận động viên với tinh thần thi đấu thể thao trong sáng, cao thượng.

Nhân dân Việt Nam và những người yêu thể thao ở 11 quốc gia ASEAN đã thực sự được sống trong bầu không khí của lễ hội thể thao.

Quốc kỳ Việt Nam tung bay ở vị trí cao nhất trên bục vinh quang 205 lần

Sau 17 ngày tranh tài sôi nổi, Đoàn thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn trên bảng tổng sắp SEA Games 31 với 446 tấm huy chương các loại. Trong số đó có 205 huy chương Vàng, đồng nghĩa với việc 205 lần quốc ca Việt Nam vang lên tại các địa điểm thi đấu, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên vị trí cao nhất trên bục vinh quang.

Phía sau vinh quang là sự nỗ lực tập luyện không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của các vận động viên dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên, chuyên gia. Để giành được huy chương Vàng, các vận động viên phải bỏ ra nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu. Cũng không nhiều vận động viên có cơ hội được trải nghiệm hai lần thi đấu ở giải đấu thể thao lớn nhất khu vực trên sân nhà.

Sau màn biểu diễn Taolu ngày 15/5, “cô gái vàng” Wushu Việt Nam Dương Thúy Vi bày tỏ: "Hơn 20 năm tập luyện, thi đấu nhưng đây là lần đầu tiên em cảm nhận được sự cổ vũ "cháy" hết mình của khán giả trên sân nhà. Đó cũng chính là điều mà các vận động viên mong muốn nhất khi thi đấu, tranh tài ở các sàn đấu.

 

Sự cổ vũ, động viên tinh thần của người hâm mộ cũng là động lực lớn nhất để các vận động viên cống hiến, như những "ngọn đuốc" đam mê được tiếp thêm nhiên liệu, liều “doping tinh thần," tiếp thêm sức mạnh cho họ “cháy” hết mình vì màu cờ sắc áo, vì vinh quang của Tổ quốc.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 Trần Đức Phấn khẳng định ngoài lợi thế về sự ủng hộ của người dân, Đoàn thể thao Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các đoàn bạn. Các vận động viên của Việt Nam hay các nước đều phải thi đấu hết mình, sòng phẳng, khách quan, vì “màu cờ sắc áo” của từng quốc gia...

Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games thực sự thành công

Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 Trần Đức Phấn khẳng định SEA Games 31 là một kỳ đại hội có sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đứng đầu khu vực trong lĩnh vực thể thao. SEA Games không chỉ là sự kiện thể thao đơn thuần mà còn là một sự kiện văn hóa, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Trưởng đoàn các quốc gia đánh giá SEA Games lần này tạo ấn tượng rất lớn với các quốc gia Đông Nam Á. Về mặt thông tin, truyền hình, Việt Nam đã làm rất tốt; các nền tảng mạng xã hội cũng thông tin nhiều về sự kiện này.

Tại buổi chia sẻ với báo chí ngày 23/5, ông Trần Đức Phấn cho biết trưởng đoàn các nước tham gia SEA Games đánh giá Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games thực sự thành công về mặt tổ chức, chuyên môn. Chỉ có một ý kiến duy nhất của đoàn Indonesia về vấn đề trọng tài trong trận đấu môn Pencak Silat. Tuy nhiên, tất cả quan chức, trọng tài đều do Việt Nam mời tới làm nhiệm vụ chứ không phải trọng tài của Việt Nam.

[Lễ bế mạc SEA Games 31: Khép lại một kỳ Đại hội thể thao ấn tượng]

Minh chứng rõ rệt nhất thể hiện sự cuốn hút của một giải đấu lớn, sự fair-play chính là sự quan tâm của khán giả. Hiếm có sự kiện nào mà hầu hết các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả, thậm chí nhiều nơi, người hâm mộ phải đứng cả buổi để theo dõi, cổ vũ cho các vận động viên vì hết ghế ngồi.

Sáng 15/5, các vận động viên Wushu Việt Nam thi đấu những nội dung Taolu cuối cùng, sức nóng trên khán đài đã tiếp thêm ngọn lửa tinh thần cho những vận động viên dưới sân đấu. Khi các vận động viên bắt đầu bài biểu diễn, tiếng hò reo, tiếng vỗ tay không ngớt, không phân biệt quốc gia, giới tính. Khác biệt duy nhất là những tiếng hô “Việt Nam cố lên,” “Việt Nam vô địch” được vang lên mạnh mẽ mỗi khi vận động viên của chúng ta thi đấu.

Trên khán đài sân đấu Vovinam (Nhà thi đấu Sóc Sơn), anh Phan Cao Thắng (Tiền Giang) cho biết anh đã đi ra Hà Nội từ ngày đầu khởi tranh môn bóng đá nam. Không phải lúc nào muốn cũng có thể cổ vũ cho đội nhà được nên khi SEA Games quay trở lại Việt Nam sau 19 năm, dù đường xa nhưng anh vẫn quyết định gác lại công việc, tạm xa gia đình để hòa chung vào không khí lễ hội thể thao, ủng hộ các vận động viên tham dự Đại hội.

Nhin lai hanh trinh 17 ngay dang nho cua SEA Games 31 tai Viet Nam hinh anh 2Hàng nghìn cổ động viên ở ngoài sân Thiên Trường theo dõi trận bán kết bóng đá nam giữa U23 Thái Lan và U23 Indonesia. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Sự ủng hộ, tiếp sức của người hâm mộ chính là "liều thuốc tinh thần" có giá trị nhất để giúp các các vận động viên vượt qua thử thách, vượt qua chính mình, đạt được những mục tiêu cao hơn, xa hơn, mạnh hơn.

Tại Lễ bế mạc SEA Games 31 tối 23/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban tổ chức SEA Games 31 đã tổng kết tại Đại hội này, Ban tổ chức đã trao tổng số 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 huy chương Vàng, 522 huy chương Bạc và 712 huy chương Đồng; có 30 kỷ lục SEA Games được xác lập.

Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 huy chương Vàng; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.

Việt Nam thân thiện, mến khách với tình yêu thể thao vô tư, trong sáng

Phó Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ điều mà Ban tổ chức ấn tượng chính là sự ủng hộ, cổ động rất lớn của người hâm mộ, nhân dân ở những nơi diễn ra các cuộc thi đấu.

Với mong muốn mọi người dân đều có thể tới cổ vũ và dự khán, Ban tổ chức đã có văn bản đề nghị, khuyến khích các địa phương nơi diễn ra các môn thi đấu của SEA Games 31 không tổ chức bán vé để người dân được thưởng thức thể thao, cổ vũ trọn vẹn cho các vận động viên.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi Mohammed Djouadj cho biết các trận đấu của môn Vovinam tại Nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) rất sôi động, hấp dẫn, đã thu hút được đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ không chỉ cho các vận động viên nước chủ nhà mà còn cho cả các đội khách.

Khán đài luôn chật kín khán giả, một lượng lớn các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã đến đưa tin về giải đấu. Điều này chứng tỏ môn Vovinam đã có một chỗ đứng rất lớn trong lòng khán giả Việt Nam. Đây là môn võ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và tinh thần thượng võ của người Việt Nam, đang trở thành một môn thể thao quốc tế, giống như các môn võ Karate, Taekwondo, Judo.

Đối với "môn thể thao vua" - bóng đá, người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung và bạn bè quốc tế nói riêng không còn lạ lẫm với hình ảnh “biển người” tới sân vận động cổ vũ cho các cầu thủ được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ những trận đấu có Đội tuyển U23 Việt Nam tham dự mà ngay cả bảng đấu không có sự xuất hiện của các chàng trai, cô gái áo đỏ như tại Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) cũng không còn một chỗ trống.

Sức nóng lan tỏa từ ngoài sân cho tới khán đài, từ khán đài xuống đến sân cỏ, tiếp thêm động lực to lớn cho các cầu thủ. Không ít đại diện đội bóng các nước đã biểu lộ cảm xúc khi được người yêu bóng đá nói chung và người hâm mộ Nam Định nói riêng cổ vũ, ủng hộ nhiệt thành, hết mình vì tinh thần thể thao trong sáng, cao thượng.

Trên các sàn đấu khác như ở các môn bóng bàn (Hải Dương), bóng rổ (Thanh Trì-Hà Nội), Cầu mây (Hoàng Mai-Hà Nội), Boxing, KickBoxing (Bắc Ninh)..., tiếng hò reo cổ vũ, hô hào động viên không ngớt. Quốc kỳ của Việt Nam và các nước bạn phủ kín sàn đấu góp phần tạo nên một bầu không khí lễ hội thực sự.

Khi Đại hội khép lại, mọi người trở lại cuộc sống thường ngày nhưng chắc chắn rằng, ấn tượng về một kỳ SEA Games ở Việt Nam sẽ mãi còn đọng lại. Rồi nhiều năm sau, những ca từ trong bài hát chính thức của SEA Games 31- “Hãy tỏa sáng” (Let's shine) sẽ vẫn còn trong tâm thức nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, như ca khúc “Vì một thế giới ngày mai” của SEA Games 22 đã để lại.

Không thể không kể đến sự hỗ trợ nhiệt thành của gần 3.000 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Các em đã tham gia vào công tác tình nguyện, tạo nhịp cầu kết nối, những đại sứ giúp lan tỏa giá trị tốt đẹp, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Nhin lai hanh trinh 17 ngay dang nho cua SEA Games 31 tai Viet Nam hinh anh 3Chùm liên khúc kết thúc lễ bế mạc tạo nên một bầu không khí sôi động về tinh thần thể thao kết nối thế giới, vượt qua những thách thức của cuộc sống. (Ảnh: TTXVN)

Khép lại hành trình tình nguyện tại SEA Games 31, em Nguyễn Huỳnh Minh Hiếu, sinh viên Trường Đại học Hà Nội bày tỏ: "Được sống trong bầu không khí thể thao cuồng nhiệt, được cống hiến cho Tổ quốc ở một sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, em cảm thấy thực sự may mắn. Thông qua SEA Games 31, em và các bạn học được nhiều điều, ngoài việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kĩ năng mềm và cách xử lý những tình huống phát sinh, điều mà em nhận được nhiều nhất có lẽ chính là ý thức tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước..."

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chính thức khép lại, lá cờ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban tổ chức SEA Games 31 trao lại cho đại diện Ủy ban Olympic Campuchia - nước chủ nhà SEA Games 32.

Ấn tượng tốt đẹp mà Đại hội để lại vẫn còn lắng đọng trong mỗi người con của đất Việt, của những người yêu thể thao cũng như bạn bè quốc tế./.

 

Ảnh 1Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc tác nghiệp tại SEA Games 31. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 2Phóng viên TTXVN phỏng vấn siêu đại kiện tướng cờ vua Việt Nam Lê Quang Liêm tại SEA Games 31. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 3Phóng viên của Indonesia tác nghiệp tại nhà thi đấu Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 4Tình nguyện viên dẫn đoàn của Việt Nam trao đổi cùng đoàn vận động viên Thái Lan tại Cung quy hoạch , hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 5Các tình nguyện viên trên bãi cát tại sân thi đấu bóng chuyền sau 1 ngày dẫn đoàn tham gia thi đấu tại SEA Games 31. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 6Phóng viên của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh truyền hình trực tiếp tại nhà thi đấu Đại Yên, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ảnh 7Cán bộ, chiến sĩ kiểm soát vé mời xem bóng đá của cổ động viên trước khi vào sân. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

 

Nam Thái (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhin-lai-hanh-trinh-17-ngay-dang-nho-cua-sea-games-31-tai-viet-nam/792133.vnp