Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chiều 16/9, tại sân bay Nội Bài, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đã tiếp nhận hàng cứu trợ cho người dân vùng thiên tai từ ông David Paul Kletzing, Trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Samaritan’s Purse (tổ chức phi chính phủ quốc tế với sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và phát triển cộng đồng).
Hàng viện trợ bao gồm 3.000 chiếc đèn pin, 3.000 bộ dụng cụ bếp, 3.000 bộ lọc nước cho gia đình, 3.000 thùng chứa nước sạch, 6.000 xô nhựa Song Long 22 lít với tổng giá trị khoảng 116.000 USD.
Theo kế hoạch, khối lượng hàng cứu trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Samaritan’s Purse sẽ được vận chuyển đến 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng trong ngày 16-17/9 để kịp thời cấp phát cho người dân chịu ảnh hưởng do mưa lũ.
Cùng ngày, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận hàng viện trợ từ ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam tại sân bay Nội Bài.
Cũng tại đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã tiếp nhận số hàng hóa từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của tỉnh lên phương án cấp phát cho người dân các khu vực đang chịu ảnh hưởng sau bão số 3 và mưa lũ.
Hàng viện trợ bao gồm các thiết bị, hệ thống về nhà an toàn, nước sạch vệ sinh với khối lượng 26 tấn, giá trị ước tính khoảng 361.140 CHF (khoảng 10,5 tỷ đồng).
Tại buổi bàn giao hàng viện trợ, phía Thụy Sĩ chia buồn với những mất mát về người và tài sản mà Việt Nam đang phải gánh chịu, đồng thời sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai thời gian tới.
Trước mắt, Thụy Sĩ sẽ cử một đoàn 8 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực nước sạch, vệ sinh, nhà an toàn… để triển khai khảo sát, nghiên cứu sâu về nhu cầu của tỉnh Yên Bái, đưa ra các phương án tái thiết phù hợp. Dự kiến đoàn chuyên gia sẽ tiến hành khảo sát tại Yên Bái trong tuần.
Các chuyên gia của Thụy Sĩ sẽ đến hỗ trợ lắp đặt và hướng dẫn sử dụng các thiết bị cho địa phương.
Trước đó, lúc 23 giờ 45 phút đêm 15/9, chuyến bay chở hàng viện trợ của Chính phủ Ấn Độ đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận hàng viện trợ từ ông Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.
Hàng viện trợ gồm 2.628 bộ máy lọc nước, 1.000 bình chứa nước có van, 15 bình chứa nước (500 lít), 10.000 chiếc chăn, 7.506 chiếc màn, 2.000 chiếc đèn sử dụng pin mặt trời, 2.000 bộ dụng cụ nấu ăn. Ước tính, khối lượng hàng hóa trên 35 tấn với tổng giá trị khoảng 1 triệu đôla Mỹ.
Ngay sau khi tiếp nhận hàng viện trợ từ Chính phủ Ấn Độ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện công tác phân phối và giao hàng hóa cho các địa phương theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, đại diện tỉnh Tuyên Quang đã đến tiếp nhận và vận chuyển số lượng hàng viện trợ về địa phương; số lượng hàng còn lại sẽ được vận chuyển đến tỉnh Lạng Sơn để kịp thời cấp phát cho người dân chịu ảnh hưởng do mưa lũ.
Từ ngày 11/9 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 1 chuyến hàng viện trợ của Chính phủ Australia, 3 chuyến hàng viện trợ của Trung tâm điều phối khu vực về Hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai ASEAN, 1 chuyến hàng viện trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA, 1 chuyến hàng từ Chính phủ Ấn Độ, 1 chuyến hàng viện trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ, 1 chuyến hàng viện trợ từ tổ chức Samaritan’s Purse.
Tính đến ngày 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động và nhận được sự quan tâm từ 10 Đại sứ quán và 16 tổ chức quốc tế với cam kết hỗ trợ 160 tấn hàng qua đường hàng không thông qua Bộ.
Số hàng vào đến cảng hàng không Nội Bài đều đã và sẽ được chuyển thẳng đến các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn để cấp phát kịp thời người dân chịu ảnh hưởng mưa lũ./.