Nhiều "ông lớn" ngành cầu nguy cơ bị "trảm" ở dự án cầu yếu gần 1.500 tỷ đồng

12:22 - 08/12/2023

Các nhà thầu đang thi công rất chậm ở 3 gói thầu của dự án, gồm: Công ty CP Xây dựng Cầu 75, Công ty CP Cầu 3 Thăng Long, Công ty Ilsung, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Công ty TNHH MTV 17....

Nhiều "ông lớn" ngành cầu nguy cơ bị "trảm" ở dự án cầu yếu gần 1.500 tỷ đồng- Ảnh 1.

Gói thầu XL04 của dự án do liên danh nhà thầu Ilsung - Tổng công ty Thăng Long đảm nhiệm đang thi công rất chậm, đặc biệt là công tác thi công đường. Nguyên nhân do nhà thầu chậm trễ huy động tài chính, vật liệu, máy móc thiết bị thi công, đặc biệt là phạm vi đường dẫn phía Ninh Bình

Cả 3 gói thầu đang thi công đều chậm tiến độ

Theo nguồn tin của Tạp chí GTVT, hiện nay cả 3 gói thầu đang tổ chức thi công thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1), sử dụng vốn vay EDCF đều chậm tiến độ. Đáng chú ý, trong số các nhà thầu thi công chậm có sự góp mặt của một số nhà thầu từng vang bóng một thời trong lĩnh vực thi công cầu ở Việt Nam như: Tổng công ty Thăng Long, Công ty CP Xây dựng cầu 75, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Công ty CP Cầu 3 Thăng Long,...

Cụ thể, dự án này có 4 gói thầu xây lắp, hiện đã hoàn thành 1 gói thầu, còn lại 3 gói thầu đang triển khai thi công, lũy kế sản lượng đạt 523,186/706,682 tỷ đồng (đạt 74%), chậm 1,7% so với kế hoạch. Đánh giá về tình hình triển khai thi công của dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, hiện dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác 1 gói thầu (gói thầu XL02 cầu Xóm Bóng), 3 gói thầu còn lại tiến độ thi công chậm, không đáp ứng kế hoạch đề ra.

Đặc biệt là cầu Bến Mới (thuộc gói thầu XL04) do liên danh nhà thầu Ilsung - Tổng công ty Thăng Long thi công và cầu Đa Phúc (thuộc gói thầu XL03) do liên danh Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty CP Cầu 3 Thăng Long thi công đang triển khai rất chậm, khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Về tiến độ thi công cụ thể của từng gói thầu, thông tin cho biết, gói thầu XL01 (cầu Sông Trường, cầu Nước Oa) do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH MTV 17 đảm nhiệm thi công.

Thời gian thực hiện gói thầu (12 tháng) từ 1/6/2022 - 31/5/2023 (đã được gia hạn đến 31/12/2023, lần 2) hiện sản lượng đạt 53,5/69,06 tỷ đồng (đạt khoảng 77,4%), chậm khoảng 3,6% so với tiến độ đã điều chỉnh.

Đánh giá về gói thầu này, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, gói thầu đã được gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến 31/12/2023 (lần 2). 

Hiện nay, các nhà thầu thi công rất chậm, thời gian thi công chỉ còn khoảng 1 tháng, tuy nhiên khối lượng còn lại cần phải hoàn thành rất lớn, nếu chủ đầu tư không quyết liệt chỉ đạo và các nhà thầu thi công không quyết tâm huy động máy móc, thiết bị, nhân lực và nguồn tài chính thì rất khó có thể hoàn thành gói thầu theo tiến độ đề ra.

Nhiều "ông lớn" ngành cầu nguy cơ bị "trảm" ở dự án cầu yếu gần 1.500 tỷ đồng- Ảnh 2.

Gói thầu XL01 (cầu Sông Trường, cầu Nước Oa) do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH MTV 17 đảm nhiệm đang thi công rất chậm

Gói thầu XL02 (cầu Xóm Bóng) do liên danh nhà thầu Samwhan Corporation - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 thi công (thời gian thực hiện từ 10/3/2022 - 09/9/2023) đã hoàn thành và đưa công trình vào khai thác từ ngày 20/9/2023.

Gói thầu XL03 (cầu Đoan Hùng, cầu Đa Phúc), liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty CP Cầu 3 Thăng Long đảm nhiệm thi công, thời gian thực hiện 12 tháng từ 24/6/2022 - 23/6/2023 (đã được gia hạn đến 31/12/2023) hiện sản lượng đạt 92,5/142,33 tỷ đồng, đạt 65% giá trị hợp đồng.

Hiện nay, cầu Đoan Hùng đã hoàn thành, còn lại cầu Đa Phúc đang tạm dừng thi công từ tháng 4/2023 do thủ tục xin cấp phép thi công trong phạm vi đê điều từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa hoàn thành.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, gói thầu XL03 đã được gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến 31/12/2023 (lần 1). Cầu Đa Phúc đang vướng mắc về mặt bằng (phía Hà Nội) và thủ tục cấp phép thi công trong phạm vi đê điều, khó có thể hoàn thành theo kế hoạch (31/12/2023).

Hiện tại, công trình cầu Đa Phúc đang tạm dừng thi công từ tháng 4/2023 do thủ tục xin cấp phép thi công trong phạm vi đê điều từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa hoàn thành và chủ đầu tư chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết, nếu tiếp tục kéo dài có nguy cơ không hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.

Gói thầu XL04 (cầu Bến Mới) do liên danh nhà thầu Ilsung - Tổng công ty Thăng Long đảm nhiệm thi công, thời gian thực hiện từ 12/5/2022 - 12/5/2024 (24 tháng), sản lượng đến nay đạt 214,186/33,722 tỷ đồng, đạt 64,18% giá trị hợp đồng.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng đánh giá, công tác thi công đường của gói thầu XL04 (có xử lý đất yếu) đang rất chậm, đến nay thời gian thi công chỉ còn khoảng 6 tháng, tuy nhiên chưa thi công xong xử lý nền đất yếu (thời gian chờ gia tải khoảng 10 tháng).

Nguyên nhân do nhà thầu chậm trễ huy động tài chính, vật liệu, máy móc thiết bị thi công, đặc biệt là phạm vi đường dẫn phía Ninh Bình (thi công bấc thấm được 48,09%, đắp đất gia tải K95 được 15,13%), ngoài ra hiện còn 150 m cuối tuyến chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thể thi công đoạn tuyến này (có xử lý đất yếu).

Đây là hạng mục đường găng của gói thầu, nguy cơ không đáp ứng tiến độ đề ra. Gói thầu này là gói thầu có thời gian thi công dài nhất của dự án nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của toàn dự án.

Nhiều "ông lớn" ngành cầu nguy cơ bị "trảm" ở dự án cầu yếu gần 1.500 tỷ đồng- Ảnh 3.

Thi công cầu Bến Mới do liên danh Ilsung - Tổng công ty Thăng Long đảm nhiệm

Kiến nghị xử lý theo hợp đồng các nhà thầu tiếp tục thi công chậm

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tiến độ hợp đồng các gói thầu của dự án sẽ hoàn thành tháng 5/2024. Tuy nhiên, trên cơ sở triển khai thực tế tại hiện trường, các gói thầu còn lại sẽ khó có thể hoàn thành  đúng kế hoạch.

Ngoài nguyên nhân khách quan về nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, giải phóng mặt bằng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, nguyên nhân chậm chủ yếu do các nhà thầu thi công chưa đáp ứng trong công tác huy động nguồn lực (máy móc, tài chính, vật liệu), tổ chức thi công chưa bám sát kế hoạch, chưa có tinh thần quyết tâm cao, tổ chức tăng ca chưa thường xuyên, liên tục (gói thầu XL04 - phần đường; gói thầu XL01).

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo điều hành của chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt và chưa kịp thời có các giải pháp xử lý nhà thầu chậm tiến độ, chậm trễ và chưa có giải pháp xử lý về việc cấp phép thi công cầu Đa Phúc.

Khối lượng công việc còn lại phải thi công rất lớn, để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra, Cục Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục để bàn giao toàn bộ mặt bằng các gói thầu trong tháng 12/2023.

Đồng thời, chủ đầu tư cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành do chưa tập trung, chưa quyết liệt để xử lý dứt điểm việc cấp phép thi công cầu Đa Phúc, chưa kịp thời chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu để có các giải pháp đảm bảo tiến độ thi công phần đường dẫn cầu Bến Mới phía Ninh Bình làm ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án.

Thời gian tới, chủ đầu tư cần lưu ý, tại gói thầu XL01 cần quyết liệt chỉ đạo nhà tập trung nguồn lực, huy động thêm máy móc thiết bị thi công, đảm bảo nguồn vật tư, vật liệu cho công trường để thi công hoàn thành các hạng mục còn lại đáp ứng tiến độ hợp đồng (tháng 12/2023), trường hợp các nhà thầu tiếp tục chậm trễ, cần xử lý theo đúng các quy định hợp đồng.

Đối với gói thầu XL03, chủ đầu tư cần tập trung, quyết liệt để có giải pháp xử lý dứt điểm việc cấp phép thi công trong tháng 12/2023; trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án giải quyết trước ngày 15/12/2023.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo nhà tập trung thi công hoàn thành các hạng mục còn lại đáp ứng tiến độ hợp đồng (tháng 12/2023), trường hợp các nhà thầu tiếp tục chậm trễ, cần xử lý theo đúng các quy định hợp đồng.

Gói thầu XL04, chủ đầu tư cần chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát lập kế hoạch thi công chi tiết kèm theo nhu cầu về nhân lực, máy móc thiết bị, nguồn tài chính đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác đắp gia tải trong tháng 12/2023 đối với phạm vi đã có mặt bằng; thi công xong kết cấu phần trên cầu trong tháng 1/2023; hoàn thành toàn bộ gói thầu đáp ứng tiến độ hợp đồng,…

"Chủ đầu tư cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu thi công phần đường, nếu còn tiếp tục chậm tiến độ, không đáp ứng kế hoạch yêu cầu, xem xét quy định hợp đồng để điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác (nếu cần) để không ảnh hưởng đến tiến độ đề ra", Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu rõ.

Ngoài ra, Cục Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư quyết liệt đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu, tổ chức theo dõi, đánh giá hàng tuần, hàng tháng; trường hợp các nhà thầu chậm trễ, không có giải pháp khắc phục, cần xử lý theo đúng các quy định hợp đồng…

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1), sử dụng vốn vay EDCF của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư khoảng 1.498,3 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024.