Nhieu nuoc va to chuc ung ho viec noi lai quan he Saudi Arabia-Iran hinh anh 1Đại diện Iran và Saudi Arabia ký thỏa thuận trước sự chứng kiến của nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: TASNIM)

Ngày 10/3, nhiều nước và tổ chức đã bày tỏ ủng hộ việc Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ ngoại giao sau các cuộc đàm phán gần đây ở Trung Quốc.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đánh giá việc Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao là một "thắng lợi" cho đối thoại và hòa bình.

Theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu bế mạc cuộc đối thoại giữa Iran và Saudi Arabia tại Bắc Kinh, ông Vương Nghị chúc mừng Saudi Arabia và Iran đã có bước đi mang tính lịch sử và đạt được kết quả quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Ông Vương Nghị đồng thời khẳng định là một người bạn đáng tin cậy của hai nước, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng.

Trung Quốc ủng hộ tìm kiếm giải pháp chính trị cho tất cả các xung đột và bất đồng thông qua đối thoại, để duy trì hòa bình và ổn định thế giới.

Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Qatar (QNA) đưa tin Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước này Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani đã hoan nghênh Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ ngoại giao khi ông có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan.

 

Ông Jassim Al-Thani khẳng định Qatar mong muốn và ủng hộ Riyadh và Tehran tái khởi động hợp tác an ninh và hợp tác trong các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, khoa học, văn hóa, thể thao và thanh niên.

Theo ông, việc Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ ngoại giao sẽ “góp phần tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước vì lợi ích của toàn khu vực."

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Saudi Arabia và Iran, đồng thời đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán vừa diễn ra.

Quan chức cấp cao chính phủ và là cố vấn của Tổng thống UAE, ông Anwar Gargash, cho biết quốc gia Trung Đông này tin tưởng vào tầm quan trọng của các cuộc đàm phán và đối thoại tích cực giữa các nước trong khu vực để củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Iraq và Oman cũng hoan nghênh tuyên bố nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia. Hãng thông tấn Oman viết quốc gia này “hoan nghênh tuyên bố ba bên về việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Riyadh và Tehran."

Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi nhấn mạnh đây là “giải pháp hai bên cùng có lợi và sẽ đảm bảo lợi ích an ninh khu vực cũng như toàn cầu."

Theo ông, thỏa thuận sẽ góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho tất cả các bên. Iraq cũng cho rằng đây là bước đi mở ra “trang mới” trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.

[Iran và Saudi Arabia nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao]

Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ giảm bớt căng thẳng khu vực, góp phần mang lại ổn định và duy trì an ninh của các nước Arab.

Ngoài ra, thỏa thuận còn đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực trong việc hướng tới thịnh vượng, phát triển và ổn định.

Nhiều nước khác như Bahrain, Kuwait, Jordan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Sudan và Pakistan cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận trên.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington hoan nghênh mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Cùng ngày, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực cũng đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ bước tiến trong quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, thay mặt Tổng Thư ký Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Riyadh và Tehran. Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassem Mohamed Albudaiwi bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ “góp phần tăng cường an ninh và hòa bình."

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), ông Hussain Ibrahim Taha, tin tưởng thỏa thuận sẽ góp phần “củng cố các trụ cột của hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực," đồng thời “tạo động lực mới” cho hợp tác giữa các quốc gia thành viên OIC./.

Văn Tùng (TTXVN/Vietnam+)