Nhieu du dia mua rong tu khoi ngoai, bat chap gia tri mua giam hinh anh 1Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Dù khối ngoại chỉ mua ròng 400 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch trong tuần qua (từ ngày 20-24/3), giảm rõ rệt so với giá trị hơn 2.300 tỷ tuần trước, song giới phân tích nhận định còn nhiều động lực mua ròng từ khối ngoại trong thời gian tới.

Cụ thể, khối ngoại giảm mua ròng tuần qua trên sàn HOSE với giá trị đạt 386 tỷ đồng.

Tương tự, giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HNX cũng giảm 75,6% về mức 41 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng 27 tỷ đồng trên sàn UPCOM tăng 66,8% so với tuần trước.

[Thị trường chứng khoán hồi phục, khối ngoại nối lại mạch mua ròng]

Tính chung, khối ngoại mua ròng 340 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng thêm 60 tỷ đồng thoả thuận.

Về cơ cấu mua, nhà đầu tư ngoại tập trung gom cổ phiếu VHM, đồng thời tập trung mua HPG, VCI, DCM, POW...

 

Như vậy, lũy kế thời điểm hiện tại, khối ngoại đã mua ròng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Thông tin được nhận định hỗ trợ dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán tháng này là việc quỹ Fubon đã thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn khoảng 160 triệu USD.

Trong khi đó, quỹ VanEck sẽ thay đổi chỉ số tham chiếu, nâng từ 80% lên 100% là cổ phiếu Việt Nam kể từ ngày 17/3, từ đó có thể mua khoảng 2.300 tỷ đồng trên thị trường.

Theo nhà sáng lập ART Investor Vũ Đức Nam: "Kỳ vọng giải ngân của ETF bao gồm quỹ Fubon, VanEck hay VNM. Thực ra câu chuyện đó đến thời điểm này vẫn còn giữ nguyên. Động lực tăng về mặt thông tin này vẫn được bảo lưu.”

Cùng với đó, động thái của Ngân hàng Nhà nước cùng lúc ban hành 2 quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1% từ ngày 15/3 cũng được kỳ vọng khơi thông dòng tiền quay trở lại trên thị trường chứng khoán, nhất là dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.

Ở diễn biến khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 17/3/2023, có 6 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 11.930 tỷ đồng được ghi nhận.

Riêng tháng 3/2022 có hai đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 3.621 tỷ đồng.

Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định triển vọng thanh khoản của hệ thống tài chính có thể được nới lỏng hơn và lãi suất hạ nhiệt sẽ có lợi cho các lớp tài sản tài chính.

Việt Nam đang duy trì cơ cấu “dân số vàng,” tầng lớp trung lưu và đô thị hoá giúp nhu cầu nội địa tăng lên, tăng trưởng FDI giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phát triển.

Đặc biệt, định giá cổ phiếu (P/E) năm 2023 khoảng 9-10x, mức thấp nhất trong khu vực châu Á nên thị trường chứng khoán vẫn rất thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dự báo của vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khôi phục trở lại và có thể đi vào thị trường “bull market” (thị trường bò tót) khi đã phục hồi 20% kể từ đáy của tháng 9 năm ngoái. Mục tiêu chỉ số VN-Index sẽ đạt mốc 1.300 điểm trong năm nay.

Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP quý 1, chỉ số CPI quý 1...

Đồng thời, một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý 1. Đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới./.

Diệp Anh (TTXVN/Vietnam+)