Nhiều đổi mới trong quản lý, sản lượng vận tải tăng toàn diện
07:20 - 12/10/2023
Hoạt động vận tải từ đầu năm đến nay tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực.
Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 diễn ra vào sáng nay (11/10), ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng tăng đều ở các lĩnh vực.
Đặc biệt, công tác quản lý hoạt động vận tải của Bộ GTVT tiếp tục có nhiều đổi mới, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, Bộ GTVT tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là từ thiết bị giám sát hành trình, xử lý xe dù, bến cóc, tăng giá vé sai quy định...
Đồng thời thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phát triển vận tải quốc tế nhất là lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông Uông Việt Dũng cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank 2023), Việt Nam có chỉ số hiệu quả logistics (LPI) đứng trong nhóm 25 nước hoạt động ổn định, đứng vị trí thứ 43 trên thế giới, tụt 4 hạng so với thứ hạng 39 của năm 2018. Tuy nhiên, điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sản lượng vận tải 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, vận tải hàng hóa ước đạt 1.686 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa ước đạt 360 tỷ tấn.km, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách ước đạt 3.406 triệu lượt, tăng 13,1% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách ước đạt 184 tỷ HK.km, tăng 27,9% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các dịp cao điểm nhu cầu đi lại tăng cao.
Cùng với đó, công tác quản lý, công khai niêm yết giá cước vận tải, chuẩn bị phương tiện phục vụ... được triển khai hiệu quả; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây.
Song hành với đó, công tác bảo đảm TTATGT, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn tiếp tục được triển khai; kiên trì mục tiêu, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm từ 5 đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2022.
Đồng thời, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Các cơ quan thuộc Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch, giải pháp triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT trên các lĩnh vực phụ trách, như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, phối hợp xử lý xe quá tải trọng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT…
Ông Ngọc cho biết thêm, trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã tổ chức 7 đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến ATGT; xử lý 13 điểm đen, 15 điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ; tổ chức giao thông an toàn tại các đường ngang đường sắt; đổi mới, bổ sung hình thức cấp, đổi giấy phép lái xe theo 3 hình thức; áp dụng dịch vụ công cấp độ 4 đối với cấp giấy phép lái xe quốc tế; tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.