Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường CDP, công bố ngày 15/3, các tập đoàn toàn cầu chưa thích ứng đủ nhanh để bảo vệ môi trường và bảo vệ chính doanh nghiệp của mình khỏi các tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Báo cáo cho thấy hầu hết các công ty không cung cấp được một bức tranh đầy đủ về “lộ trình thải khí” và các tác động đến môi trường. Điều này làm chậm tiến độ hướng tới một nền kinh tế không khí thải và khiến doanh nghiệp phải đối mặt với các rủi ro khí hậu.
Theo báo cáo, gần một nửa trong số 18.500 công ty cung cấp dữ liệu về môi trường đã không tiết lộ lượng khí thải liên quan tới các chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành CDP khu vực châu Âu, ông Maxfield Weiss khẳng định: “Từ năm 2024, các công ty châu Âu và các công ty toàn cầu có doanh thu lớn ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải công khai thông tin về tác động môi trường của các chuỗi cung ứng và phát thải Phạm vi 3 của họ."
[Nhà Trắng thông qua dự án dầu Alaska trước những chỉ trích về khí hậu]
Lượng khí thải CO2 của doanh nghiệp được chia thành ba cấp độ đo lường. Phạm vi 1 bao gồm lượng phát thải trực tiếp dưới sự kiểm soát của công ty. Phạm vi 2 là lượng phát thải gián tiếp từ việc sử dụng năng lượng. Phạm vi 3 đo tất cả các lượng phát thải phát sinh từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng và ở cuối vòng đời sản phẩm.
Theo báo cáo, tác động đến khí hậu và môi trường từ đầu các chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn 11 lần so với lượng khí thải trực tiếp của các công ty. Vì vậy, các khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn cũng đang được hình thành tại Mỹ và thông qua Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB) - đơn vị thiết lập các tiêu chuẩn về công khai tài chính liên quan đến khí hậu.
Gần 1% số công ty được đề cập trong báo cáo đã yêu cầu các nhà cung cấp của mình đặt mục tiêu giảm phát thải cho phù hợp với mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó, thế giới cần giới hạn mức nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo còn nhấn mạnh tác động tới môi trường của một doanh nghiệp đã vượt ra ngoài vấn đề khí hậu, mà các vấn đề như rừng, nước và đa dạng sinh học đều cần sự quan tâm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cho tới nay, gần 70% các công ty không đánh giá được mức độ tác động tới đa dạng sinh học từ chuỗi cung ứng của mình.
Bà Sonya Bhonsie, người phụ trách về chuỗi giá trị toàn cầu của CDP, cho rằng một doanh nghiệp cần phải ghi nhớ những quy tắc về môi trường khi hợp tác với các nhà cung cấp nhằm thúc đẩy hành động trong chuỗi cung ứng.
Theo bà, dù có những doanh nghiệp chậm trễ trong việc minh bạch thông tin về phát thải môi trường, nhưng trên thực tế, dữ liệu do các công ty cung cấp đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 2015./.